Khu vực trồng dưa chuột trong nhà lưới của anh Nguyễn Tiến Hùng ở thôn Bằng Châu
Nhận thấy thời cơ mới trong sản xuất nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Tiến Hùng ở thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu vừa mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng khu nhà lưới hơn 1.000 m2 với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, quạt thông gió, khử trùng, thoát nước… để trồng các loại rau, quả và hoa.
Ngay sau khi hoàn thành dự án (11/2021), anh Hùng đã bắt tay ngay vào sản xuất hơn 2.000 gốc dưa chuột, hơn 2.000 gốc ớt chuông. Sau hơn 3 tuần xuống giống, cây trồng đang sinh trưởng tốt, dự kiến khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Hiện nay, trên cánh đồng màu của thôn Bằng Châu (xã Thạch Châu) đã có 3 khu nhà lưới hiện đại.
Theo tính toán, sau khi đi ổn định, mỗi năm anh Hùng sẽ tiến hành sản xuất 2 vụ dưa lưới, 3 vụ rau, quả khác và 2 vụ hoa ly, hoa cúc.
Còn tại cơ sở của anh Hoàng Văn Tiến (chủ mô hình dưa lưới Hiền Tiến, xã Thạch Châu), hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp sạch đã được khẳng định. Anh Tiến cho biết: "Sau 2 năm đi vào hoạt động, khu nhà lưới chuyên trồng các loại rau quả của chúng tôi đã hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, trong đó dưa lưới là sản phẩm đóng vai trò chủ đạo với 3 vụ/năm.
Sản phẩm dưa lưới đạt chuẩn OCOP 3 sao của cơ sở dưa lưới Hiền Tiến
Năm 2021, riêng sản phẩm dưa lưới đạt khoảng 17 tấn, doanh thu khoảng 790 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm này đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tin dùng. Đây là cơ sở quan trọng để thời gian tới anh Tiến mở rộng quy mô sản xuất và chế biến sản phẩm theo hướng tinh sâu, đa dạng hơn.
Mô hình trồng dưa lưới cho năng suất và hiệu quả cao ở xã Hồng Lộc (ảnh T.L).
Không chỉ có ở Thạch Châu mà hiện nay nhiều hộ nông dân ở Lộc Hà đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới để trồng các loại rau, củ, quả, hoa... Anh Mai Đình Phong – Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc chia sẻ: “Hiện nay trên địa bàn xã có 2 khu nhà lưới. Ngoài hiệu quả kinh tế còn mang lại các lợi ích xã hội rất lớn khi cho ra đời các sản phẩm sạch, chất lượng để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, tạo các điểm nhấn về ứng dụng KHKT trong sản xuất...”.
Thực tế cho thấy, do tập quán canh tác truyền thống, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, làm theo mùa vụ nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chất lượng chưa cao, năng suất thấp, rủi ro lớn. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, do hạn chế kiến thức về sử dụng thuốc, phân bón và mục tiêu lợi nhuận nên nhiều nông dân không tuân thủ đúng quy trình, thậm chí là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng trưởng bừa bãi, chất bị cấm.
Mô hình trồng dưa lưới của chị Lê Thị Hoa ở thôn Đông Vĩnh (xã Mai Phụ).
Do đó, việc ra đời các nhà lưới để sản xuất nghiệp theo hướng công nghệ cao đã góp phần khắc phục những hạn chế trên và cho thấy hiệu quả vượt trội về nhiều mặt so với sản xuất truyền thống nên nhiều bà con nông dân ở Lộc Hà đã tích cực tiếp cận.
Ông Võ Tá Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 8 khu nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hiện đại và sắp tới số lượng này sẽ tăng nhanh.
Để “tiếp sức”, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ tạm thời theo tinh thần mỗi xã được hỗ trợ xây dựng 2 mô hình để làm điểm (từ 500 - 1.000 m2 trở lên), mức kinh phí hỗ trợ 150 ngàn đồng/m2. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà con phát triển mô hình hiện đại này và có sự hỗ trợ kịp thời cả về kinh phí lẫn kỹ thuật để tạo diện mạo mới cho nền sản xuất”.