Vụ dưa thứ 4 trồng trong nhà màng của anh Hoàng Văn Tiến (xã Thạch Châu) đang phát triển tốt, hứa hẹn có thêm 1 vụ bội thu.
Cách đây hơn 1 năm anh Hoàng Văn Tiến ở thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu là người đầu tiên ở Lộc Hà mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng để trồng dưa lưới LT3 (Nhật Bản) và rau sạch. Sau vụ sản xuất (3 tháng/vụ) dưa và vụ rau đầu tiên đã cho kết quả khá khả quan. Hiện nay gia đình anh đang sản xuất vụ dưa thứ 4, trong đó có 500 m2 đã thụ phấn được 1 tuần, 500 m2 còn lại mới xuống giống được hơn 10 ngày.
Khu nhà màng rộng 1.000 m2 với mức đầu hơn 600 triệu đồng của gia đình anh Hoàng Văn Tiến hiện mỗi năm làm 3 vụ dưa và 1 vụ rau hoặc hoa giáp tết. Bình quân mỗi vụ dưa trồng 2.000 gốc, mỗi gốc cho 1 quả (khoảng 1,2-1,5 kg) và được bán với giá từ 40-45 ngàn đồng/kg thì mỗi vụ trồng sẽ thu về được khoảng 100 -110 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi khoảng 40-50 triệu đồng/vụ dưa và hơn 20 triệu đồng/vụ rau. Xét về hiệu quả kinh tế thì mô hình này cao hơn hẳn so với trồng lạc và khoai trước đây, rủi ro trong sản xuất cũng được giảm thiểu.
Mô hình trồng nấm của anh Lê Trọng Hải (xã Bình An) mỗi năm lợi nhuận 300 triệu đồng...
Không chỉ riêng gia đình anh Tiến mà ở Lộc Hà hiện nay đang có 549 mô hình kinh tế doanh thu từ 100 triệu đồng đến hơn 10 tỷ đồng/năm, trong đó có 125 mô hình lớn, 132 mô hình vừa và 292 mô hình nhỏ.
Điển hình có thể kể đến mô hình: nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trần Văn Ân và Trần Văn Minh (thị trấn Lộc Hà), Nguyễn Văn Mại (Hộ Độ); trồng dưa lưới của anh Mai Văn Hiển (Hồng Lộc) và Phan Văn Hiếu (thị trấn Lộc Hà); chăn nuôi, buôn bán trâu bò của ông Nguyễn Văn Dũng (Thạch Mỹ), trang trại cá - lúa - vịt của anh Phan Văn Đức (Tân Lộc); chăn nuôi lợn và bò của anh Hồ Sỹ Trường (Hồng Lộc); chăn nuôi gà của ông Nguyễn Đình Hiến (Bình An)…
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà của anh Trần Văn Minh (thị trấn Lộc Hà) mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, ý thức vươn lên của những người nông dân thì Hội Nông dân Lộc Hà cũng luôn đồng hành, chăm lo, hỗ trợ về mọi mặt. Đặc biệt, các cấp hội đã luôn tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận với các kiến thức KHKT (mỗi năm tổ chức khoảng 70 cuộc tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn), đưa các giống cây, con mới vào sản xuất và tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Hiện nay, ngoài 1,7 tỷ đồng quỹ hội cho 54 hộ vay thì các cấp hội còn lại nhận ủy thác (92 tổ vay vốn) từ 3 ngân hàng trên địa bàn với tổng số tiền lên đến 148 tỷ đồng để cho 2.711 hộ nông dân vay làm ăn.
Cán bộ Hội Nông dân Lộc Hà tham quan, động viên mô hình trang trại của anh Phan Văn Đức (Tân Lộc).
Chủ tịch Hội Nông dân Lộc Hà Hoàng Xuân Ty cho biết: “Với truyền thống cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, nông dân Lộc Hà đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình cho hiệu quả cao.
Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, phong trào của hội phát triển mạnh mẽ, khí thế thi đua sản xuất, kinh doanh luôn sôi nổi trên trên khắp các lĩnh vực phát triển kinh tế”.
Với quy mô 40.000 con gà/lứa, mỗi năm ông Nguyễn Đình Hiến (xã Bình An) đạt doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình để giúp nông dân giải quyết nhu cầu việc làm, thu nhập, xây dựng các hình thức liên kết kinh tế, hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, khơi dậy nguồn nội lực, tận dụng hiệu quả nguồn ngoại lực, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế… nhằm tăng hộ giàu, giảm nghèo bền vững. Mỗi năm phấn đấu xây dựng 13-15 mô hình kinh tế hiệu quả, chỉnh trang ít nhất 350 vườn hộ, xây dựng ít nhất 13 vườn mẫu…”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà Hoàng Xuân Ty chia sẻ thêm.