Sau thời gian ngắn chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, năm 2013, HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (gọi tắt là HTX Minh Lộc) ở xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) quyết định chuyển sang chăn nuôi tự chủ quy mô lớn.
Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Xuyên) theo dõi vật nuôi qua camera.
Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Minh Lộc chia sẻ: “Chăn nuôi lợn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, để làm chủ công nghệ và hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình nuôi, tôi đã quyết định bỏ tiền túi sang Hàn Quốc, Trung Quốc để học cách nuôi lợn công nghệ cao. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn phát triển bền vững, bên cạnh lợi nhuận phải đặc biệt coi trọng yếu tố môi trường. Do vậy, ngoài đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn châu Âu, chúng tôi còn chi số tiền lớn đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ mới”.
Để giảm sức lao động, gia tăng hiệu quả sản xuất, hiện nay, HTX Minh Lộc đã áp dụng quy trình tự động hóa trong chăn nuôi, lợn được ăn uống khoa học theo khung giờ. Công nhân chỉ việc theo dõi camera để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Nhờ nắm vững công nghệ, chủ động phòng dịch, trang trại quy mô trên 300 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt/lứa của HTX Minh Lộc luôn đứng vững trước sức ép dịch bệnh, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Mỗi năm, HTX Nga Hải trồng 3 lứa dưa lưới, sản lượng đạt từ 12 - 15 tấn/lứa.
Là đơn vị tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hà Tĩnh, năm 2018, HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) đã chi 2.000 USD/tháng để thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel về trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trong 3 tháng liên tục.
Ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nga Hải cho hay: “Tất cả chế độ dinh dưỡng cung cấp cho dưa lưới đều được tự động hóa. Công nhân chỉ cần thao thác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa. Ngoài ra, việc kiểm tra độ ngọt của dưa đều có máy móc đảm nhận. Nhờ vậy, thương hiệu dưa lưới Nga Hải luôn thơm ngọt, được thị trường ưa chuộng. Với quy mô 4 nhà màng, mỗi năm đơn vị trồng 3 lứa dưa, sản lượng từ 12 - 15 tấn/lứa, lãi trên 500 triệu đồng/năm”.
Thực tế cho thấy, không chỉ ứng dụng công nghệ, số hóa trong sản xuất mà khu vực kinh tế tập thể còn chú trọng phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhờ quy trình số hóa. Giờ đây, lên mạng xã hội bán hàng, tham gia sàn thương mại điện tử đã trở thành câu chuyện quen thuộc của nhiều HTX.
HTX Mật ong Cường Nga đã kết nối được hàng ngàn khách hàng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử.
HTX Mật ong Cường Nga ở xã Quang Diệm (Hương Sơn) chuyên cung cấp ong giống và mật ong ra thị trường với quy mô liên kết sản xuất với 48 thành viên. HTX này đã thành công trong ứng dụng công nghệ, số hóa vào quá trình quảng bá sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga, thông qua smartphone hay máy tính có kết nối internet, các thành viên của HTX đã nỗ lực kết nối với khách hàng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy mà năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song doanh thu bán ra của HTX vẫn tăng trưởng khá, đạt trên 5,1 tỷ đồng từ sản phẩm ong và mật ong.
Nhiều sản phẩm của các HTX đã tham gia sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 HTX hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Để tạo sức bật cho khu vực kinh tế tập thể, tính riêng từ năm 2017 lại nay, Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các hạng mục: hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học, hỗ trợ thiết kế và đăng ký xác lập quyền bảo hộ công nghiệp…
Nắm bắt cơ hội, hiện nay đã có trên 30% HTX ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào SXKD. Qua kiểm tra, đánh giá, các đơn vị này đã từng bước làm chủ công nghệ, chủ động phương án SXKD, giảm tải sức lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Lê Đăng Phúc (người đứng ngoài cùng) đi kiểm tra mô hình các HTX trên địa bàn.
Ông Lê Đăng Phúc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa vào SXKD là xu thế tất yếu để phát triển bền vững. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản… đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là kết quả tích cực của quá trình nghiên cứu, thay đổi tư duy làm kinh tế.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các HTX về nội dung ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất cũng như quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối và hội nhập”.