Vùng đất hội tụ tinh hoa
Nghi Xuân được thiên nhiên ban tặng vị trí đắc địa với thế “tam hợp”, có cả sông, núi và biển. Tận dụng và phát huy những thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư mũi nhọn kinh tế biển kết hợp phát triển du lịch theo hướng nhanh, mạnh, bền vững và giàu bản sắc. Ông Trần Vũ Quang - Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, Nghi Xuân có trên 240 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Nguyễn Du), 9 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích được khoanh vùng bảo vệ.
Địa phương còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, sắc bùa, chèo nghẹt... và nhiều lễ hội như trò sĩ - nông - công - thương - ngư, lễ hội cầu ngư, lễ hội Đền Củi…
Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền. Ảnh: Đậu Hà
“Với những lợi thế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động để phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc tích cực, khảo sát, hình thành nhiều mô hình, điểm du lịch tại địa phương” - ông Trần Vũ Quang cho biết thêm.
Nghi Xuân luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư về hạ tầng để phát triển du lịch, khu sinh thái, cơ sở lưu trú. Hiện trên địa bàn đã có các cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng 3 sao, 4 sao đảm bảo chất lượng lưu trú cho khách du lịch.
Điển hình như khách sạn Sông Lam Waterfront, được đầu tư bài bản với 80 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế. Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sông Lam Waterfront chia sẻ: “Dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng khách sạn đã thu hút được nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khách sạn đã đón nhiều ngôi sao, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến nghỉ ngơi và sử dụng dịch vụ trong mỗi dịp tham quan, du lịch ở cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh”.
Du khách quốc tế nghỉ dưỡng tại Khách sạn Sông Lam Waterfront ở thị trấn Xuân An.
Khu du lịch Xuân Thành được xem là điểm nhấn về du lịch biển của địa phương với thiên nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ, nước trong xanh, cát trắng. Đặc biệt, tại đây có trung tâm thể thao, trường đua chó và sân golf 18 lỗ… là yếu tố “giữ chân” du khách. Trong năm 2022, khu du lịch này đã thu hút hơn 160.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản…
Chị Nguyễn Thanh Thủy, du khách Hà Nội chia sẻ: “Hè 2022 là năm thứ 2 tôi trở lại Nghi Xuân. Vùng đất này không chỉ có bãi biển đẹp, nguyên sơ mà còn có các món ăn ngon, hải sản tươi, đa dạng. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao như: tôm nõn Hoa Linh Chi, sứa ép Hương Quê hay đặc sản cá ngần, cá trỏng khô Vân Huy…”.
Sức hút của Nghi Xuân còn ở các tour, tuyến du lịch tâm linh với các điểm đến: Khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền Củi, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương… hoặc đắm chìm vào không gian văn hóa nghệ thuật trên du thuyền Giang Đình cổ độ, Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường, các mô hình trải nghiệm NTM…
Khách sạn Mường Thanh Xuân Thành đạt tiêu chuẩn 5 sao ở. Ảnh: Đậu Hà
Để du lịch phát triển xứng tầm
Những ngày này, huyện Nghi Xuân đã rực rỡ cờ hoa, bảng biểu trang trí chào đón xuân Quý Mão. Nhiều tuyến đường, điểm công cộng được trang hoàng với những màu sắc rực rỡ để thu hút du khách, người dân đến vui chơi, chụp ảnh lưu niệm.
Ông Đường Nguyên Thụy - chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường (xã Xuân Viên) cho biết: “Chuẩn bị đón khách trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão này, chúng tôi trồng thêm vườn hoa, cây cảnh. Khu du lịch còn xây dựng nhiều chòi, bố trí đầy đủ bếp than, thực phẩm để du khách có thể nấu ăn, trải nghiệm, đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, nâng cấp nhà nghỉ…
Đền thờ Việt Nam Trần triều điện miền Trung (xã Xuân Phổ) thu hút khách tham quan. Ảnh: Đậu Hà
“Để Nghi Xuân khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch cả nước, mục tiêu địa phương hướng đến là phát triển du lịch biển, du lịch cộng đồng và văn hóa tâm linh. Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng hình ảnh Nghi Xuân theo hướng đậm chất văn hóa, tâm linh gắn với ca trù, dân ca ví, giặm và điểm đến như: Khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền thờ Việt Nam Trần triều điện miền Trung (xã Xuân Phổ), Khu du lịch sinh thái Tràng Vưng (xã Xuân Viên)…”, ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân nhấn mạnh.
Huyện đang kết nối, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội đưa du khách về với Nghi Xuân. Đặc biệt, địa phương sẽ hỗ trợ các công ty lữ hành ra mắt chi nhánh hoặc thành lập mới công ty lữ hành du lịch tại Nghi Xuân.
Huyện cũng sẽ tổ chức khảo sát xây dựng tour, tuyến du lịch trên sông Lam; kết nối thu hút nguồn khách từ các trường đại học đến các điểm du lịch gắn với danh nhân trên địa bàn (Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ); xây dựng thí điểm mô hình du lịch gắn với giáo dục (du lịch gắn với tìm hiểu Truyện Kiều, tìm hiểu di tích, danh nhân văn hóa...).
Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường ở xã Xuân Viên.
Trên địa bàn huyện Nghi Xuân hiện có 902 phòng nghỉ, đảm bảo cho 2.000 du khách lưu trú. Trong năm 2022, địa phương đón hơn 310.000 lượt khách du lịch (tăng 60% so với năm 2021), trong đó khách quốc tế hơn 1.200 lượt.
Ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định: Huyện luôn xác định phát triển du lịch là mũi nhọn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của người dân. Ngoài các giải pháp căn cơ, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch thường xuyên, liên tục trên các hệ thống thông tin và nền tảng mạng xã hội; từng bước tiếp cận công nghệ thông tin để cung cấp các sản phẩm du lịch. Trước mắt, huyện tập trung tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, lễ hội, hoạt động mừng Đảng, mừng xuân năm 2023 nhằm thu hút du khách thập phương đến với Nghi Xuân.