Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

(Baohatinh.vn) - Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng giai đoạn 2017- 2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ đào tạo nghề ngắn hạn đạt 41% mục tiêu đề ra.

Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

Các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ- HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo nghề có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, công tác đào tạo nghề ngắn hạn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, giai đoạn 2017- 2020, toàn tỉnh chỉ mới đào tạo nghề ngắn hạn cho 22.131 trên tổng số 53.570 người, đạt hơn 41% so với mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết số 56/2017/NQ- HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2017-2020.

Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

Lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi cho người dân xã Thạch Đài (Thạch Hà) nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Theo ông Phan Văn Sâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐ-TB&XH nguyên nhân dẫn đến việc công tác đào tạo nghề ngắn hạn chưa đạt kế hoạch đề ra là do hàng năm các địa phương đã tổ chức rà soát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo một cách phù hợp; việc điều tra khảo sát nhu cầu học nghề chưa được thực hiện một cách thường xuyên dẫn đến việc xây dựng kế hoạch ở một số địa phương chưa sát với thực tế.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một số địa phương, các cơ sở đào tạo chưa được thực hiện một cách thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa bám sát thực tế hoạt động của giáo dục nghề nghiệp và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo ông Phan Văn Sâm, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; thiết bị dạy nghề chủ yếu được đầu tư cho các nghề Hàn, Điện công nghiệp, May công nghiệp... Trong khi đó, số lao động nông thôn được đào tạo ở các nghề nói trên chiếm tỷ lệ thấp. Đội ngũ giáo viên biên chế tại các trung tâm thiếu đồng bộ giữa các chức năng, nhiệm vụ: giáo viên dạy nghề còn thiếu; trình độ tay nghề của một số giáo viên dạy nghề và trình độ sư phạm của người dạy nghề còn hạn chế.

Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

Lớp chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc xung quanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, bà Nguyễn Thị Thúy Loan - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho rằng: “Số lượng người trong độ tuổi lao động phần lớn đi làm tại các doanh nghiệp hoặc làm ăn xa, còn lại những người tham gia hoạt động ở các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh ở các địa phương phần lớn là những người ngoài độ tuổi lao động. Từ đó dẫn đến tình trạng người muốn học nghề lại quá tuổi lao động, còn người trong độ tuổi lao động lại không mặn mà với nghề, không muốn theo học nghề”.

Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

Thời gian qua, lực lượng lao động trẻ tham gia học nghề ngắn hạn chưa nhiều.

Còn theo ông Mai Văn Danh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX Hồng Lĩnh thì việc dạy nghề cho lao động nông thôn đang chạy theo số lượng, chưa phù hợp với điều kiện năng lực của người dân, chưa bám sát nhu cầu người học phù hợp với chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều địa phương, việc giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các nghề nông nghiệp, chủ yếu sau khi được đào tạo người lao động đang tự tạo việc làm cho mình.

Đào tạo nghề ngắn hạn ở Hà Tĩnh, số lượng “khiêm tốn” so với mục tiêu

Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em - Tư vấn giáo dục nghề nghiệp - Phục hồi chức năng tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người yếu thế.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác đào tạo nghề ngắn hạn và hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng), ông Phan Văn Sâm cho rằng, trong thời gian tới cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo theo phương thức đặt hàng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề phải phát triển và nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo trình độ sơ cấp, phù hợp với khả năng tiếp thu của người học và yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, kỹ sư, nông dân sản xuất giỏi, người lao động có tay nghề cao tham gia giảng dạy và xây dựng mới các chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn.

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.