Liên hoan ca trù toàn quốc - một sự kiện văn hóa để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công. Ảnh Giang Nam
Ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “2018 là một năm đầy dấu ấn đối với chúng tôi bởi hầu như chưa bao giờ hội tụ nhiều đến thế các sự kiện lớn trong cùng một năm. Cùng với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, chúng tôi đã có một năm hoạt động vừa sôi nổi, vừa có chiều sâu. Những sự kiện đó đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân, khắc họa rõ hơn truyền thống, sự đa dạng của nền văn hóa Hà Tĩnh cũng như những tác động của văn hóa truyền thống đến đời sống nhân dân”.
“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Phan Trung Hiếu
Ngoài những sự kiện thường niên như tổ chức các lễ hội đầu xuân, các lễ hội gắn với danh nhân ở các di tích, 2018 thực sự là năm của nhiều sự kiện nổi bật. Trong đó, sự kiện đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Đền Chiêu Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 572 năm ngày mất của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng.
Sự kiện dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lộc (Can Lộc) lần thứ 2 đón bằng của UNESCO công nhận “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương một lần nữa nhắc nhớ và khẳng định về những giá trị độc đáo, tiềm tàng mà các danh nhân của dòng họ Nguyễn Huy để lại.
2018 còn là một năm nhiều dấu ấn khi Hà Tĩnh liên tục tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và Liên hoan Ca trù toàn quốc. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong đời sống nhân dân. Chưa bao giờ, hoạt động tập luyện, sưu tầm lời hát cổ, sáng tác lời mới trong đội ngũ nghệ nhân, diễn viên các câu lạc bộ lại trở nên sôi nổi, đầy cảm hứng đến thế.
Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2018 - một trong những sự kiện đặc sắc của ngành văn hóa Hà Tĩnh. Ảnh: Giang Nam
Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý di sản cho biết: “Nếu như Liên hoan Dân ca ví, giặm là dịp để nhìn lại thành quả của ngành văn hóa, của các nghệ nhân sau nhiều năm miệt mài khôi phục, gây dựng phong trào thì Liên hoan Ca trù toàn quốc lại là cơ hội để Hà Tĩnh cùng các tỉnh nắm giữ di sản này, khẳng định ca trù đã thực sự “sống lại” trong đời sống và cần được UNESCO đưa ra khỏi danh sách “di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”.
Lễ rước bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Chiêu Trưng. Ảnh: Huy Tùng
Khép lại một năm đầy dấu ấn của ngành văn hóa là lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ. Đây là dịp để hậu thế nhìn lại, tìm tòi, nghiên cứu, đào sâu những di sản quý báu mà Uy Viễn Tướng công để lại cho đời sau và cũng là cơ hội để nhân dân Hà Tĩnh, nhân dân một số tỉnh khác bày tỏ niềm tự hào, biết ơn đối với những thành tựu về văn hóa, kinh tế, thủy lợi, khai hoang… mà nhà thơ, nhà doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ để lại.
Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ được tổ chức trang trọng. Ảnh: Đình Nhất
Những sự kiện diễn ra trong năm là cơ hội, là động lực để ngành văn hóa Hà Tĩnh thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo. Thông qua đó, tiếp tục triển khai xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Năm 2018 đã khép lại trong những lắng đọng sâu sắc, trong niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị di sản của nhân dân trên miền quê giàu bản sắc văn hóa để mở ra những khát vọng mới, thành quả mới về sự đổi thay cho quê hương…