Đâu là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh đạt thấp?

(Baohatinh.vn) - Những tháng đầu năm, sức hấp thụ nguồn vốn vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đạt thấp. Dư nợ trong quý I/2023 của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đạt 89.908 tỷ đồng, chỉ tăng 3,1% so với 31/12/2022.

Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng song những tháng đầu năm 2023, Vietcombank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể phát triển dư nợ như kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đến 31/3/2023, dư nợ của đơn vị đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu dựa vào một số khách hàng lớn, khách hàng truyền thống, còn dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và dư nợ khách hàng cá nhân của Vietcombank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh gần như không tăng trưởng so với đầu năm, thậm chí dư nợ khách hàng cá nhân có xu hướng giảm”.

Đâu là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Đến 31/3/2023, dư nợ của Vietcombank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đạt gần 14.000 tỷ đồng.

“Thị trường bất động sản bị chững lại, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 cùng với lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn “neo” ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022 khiến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chưa dám “mạnh tay” vay tiền để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh... Đây là những nguyên nhân căn bản dẫn đến sức hấp thụ nguồn vốn vay những tháng đầu năm của chi nhánh đạt thấp” – bà Nguyễn Thị Hạnh lý giải thêm.

Những tháng đầu năm 2023, dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II có xu hướng giảm. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2022, dư nợ toàn chi nhánh đạt 12.440 tỷ đồng song đến 13/4/2023, dư nợ giảm còn 12.250 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, giai đoạn hậu COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp, HTX gặp nhiều khó khăn như: đơn hàng sụt giảm, chi phí vận chuyển lẫn chi phí sản xuất gia tăng nên việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh bị chững lại. Với việc “tung” gói vay 500 tỷ đồng lãi suất ưu đãi (7,5%/năm) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (triển khai từ 3/4/2023), Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu, ngoài các “ông lớn”, hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần của Hà Tĩnh như: ACB, Techcombank, VP Bank, SeaBank… cũng gặp khó khăn trong phát triển dư nợ.

Đâu là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Khách hàng đến giao dịch tại ACB Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn cuối năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đẩy mạnh vay vốn, tập trung đầu tư phục vụ thị trường tết Nguyên đán và ra năm mới họ có nguồn trả nợ ngân hàng. Cùng đó, giai đoạn hậu COVID-19, tình hình SXKD của các tổ chức, cá nhân đối mặt nhiều thách thức đã ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ nguồn vốn.

Được biết, đến 31/3/2023, tổng dư nợ của ACB Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đạt 3.105 tỷ đồng, giảm 3,5% so với 31/12 2022 và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Mai Khắc Mại – Giám đốc CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh cho biết: “Doanh nghiệp hiện đang nuôi 2.000 con lợn nái, 13.000 con lợn thịt/lứa. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 40%, chi phí phòng chống dịch bệnh cũng “leo thang” trong khi giá lợn hơi thấp là bất lợi đối với doanh nghiệp. Thời điểm này với giá lợn hơi 50.000 - 51.000 đồng/kg, cứ mỗi con lợn thịt bán ra, đơn vị phải chịu lỗ từ 600.000 - 700.000 đồng. Giữa bối cảnh khó khăn bủa vây, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, tất toán món vay cũ chứ chưa tính đến chuyện vay mới”.

Đâu là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX gặp khó dẫn đến sức hấp thụ nguồn vốn vay hạn chế.

Ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa khởi sắc tác động tới sức hấp thụ vốn thì lĩnh vực tín dụng phục vụ tiêu dùng như: xây nhà mới, sửa chữa nhà ở, mua xe ô tô, mua sắm thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống… của người dân cũng đang bị chững lại.

Chị Trần Thị Thảo (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn có ý định vay thêm vốn ngân hàng để mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại. Tuy vậy, hiện nay lãi suất ngân hàng đang “neo” ở mức cao (lãi suất cho vay VND trung và dài hạn phổ biến từ 10,5-13,5%/năm) nên chúng tôi phải tính toán lại, sẽ mua ô tô thời điểm thích hợp”.

Được biết, đến 31/3/2023, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 89.908 tỷ đồng, chỉ tăng 3,1% so với 31/12/2022. Theo ngành chuyên môn, sức tăng trưởng tín dụng chậm là do 2 tháng đầu năm trùng vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch COVID-19, đơn hàng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao trong khi có một bộ phận doanh nghiệp, HTX không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của các ngân hàng...

Đâu là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Đến 31/2/2023, dư nợ của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đạt 89.908 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành ngân hàng Hà Tĩnh phấn đấu dư nợ tín dụng tăng 14 -16% so với cuối năm 2022. Để gia tăng dư nợ trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu.

Cùng đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ…

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast