Vừa qua, trong chuyến về thăm một di tích tích quốc gia đặc biệt, tôi vô cùng ngạc nhiên vì hướng dẫn viên du lịch đón tiếp và giới thiệu di tích cho chúng tôi đồng thời là giáo viên môn Lịch sử tại một ngôi trường trên địa bàn. Bài giới thiệu đầy đủ, hấp dẫn của cô giáo đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn câu chuyện lịch sử liên quan đến di tích. Kết thúc phần giới thiệu, cô giáo cũng cho biết thêm: 100% học sinh (HS) ở địa phương đều được đến đây để học trực tiếp các tiết học lịch sử địa phương.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xem các phóng sự của VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tôi cũng biết thêm, tại các di tích Đồi A1, Bảo tàng Lịch sử Điện Biên Phủ… các em HS của tỉnh Điện Biên không chỉ được tham quan mà còn được học trực tiếp các tiết học về Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP Điện Biên) còn tổ chức học ngoại khóa cho 200 học sinh tại di tích Đồi A1 bằng các hoạt động tái hiện lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ qua cuộc thi đẩy xe đạp thồ. Buổi học không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về lịch sử mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, tạo hứng thú cho các em học môn này.
Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, người dân có tinh thần đoàn kết chống kẻ thù xâm lược với nhiều tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, ở Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử gắn với các thời kỳ đấu tranh anh dũng của Nhân dân như: đền thờ Nguyễn Xí, đền thờ Nguyễn Biểu, thành cổ Hà Tĩnh, thành Sơn phòng Hàm Nghi, bến đò Thượng Trụ, tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh, Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú, Khu lưu niệm và Khu mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng...
Để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, nhiều trường học, tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên đã phối hợp với ban quản lý các “địa chỉ đỏ” tổ chức những tiết học ngoại khóa, các chuyến về nguồn, cuộc thi tìm hiểu, tổ chức kết nạp Đoàn, Đội tại các địa chỉ trên. Tuy vậy, việc tổ chức dạy học lịch sử địa phương ở các di tích còn ít.
Để môn học Lịch sử luôn hấp dẫn và sống động, cần sự tâm huyết, dày công của nhiều người. Trong đó, để việc dạy học lịch sử địa phương có hiệu quả, theo tôi, rất cần các trường học phối hợp với ban quản lý các di tích, tổ chức thật bài bản, thường xuyên, gắn với những buổi gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, hoạt động trải nghiệm, trò chơi tái hiện lịch sử.
Thêm vào đó, giáo viên dạy môn Lịch sử phải nghiên cứu lộ trình, phương thức tổ chức, phương tiện giảng dạy. Nhà trường và phụ huynh phải hỗ trợ, phối hợp tốt với giáo viên về kinh phí, phương tiện đi lại, quản lý học sinh. Có như thế thì việc dạy học lịch sử tại di tích mới hiệu quả.