Như thông lệ, từ giữa tháng 11 âm lịch hằng năm, gia đình ông Nguyễn Công Nhứ (thôn Văn Sơn) đã bắt đầu thu hoạch gối vụ, chăm bón lứa trầu không mới để phục vụ nhu cầu lễ tết của người dân.
Ông Nhứ cho biết: “Gia đình tôi hiện có 250 gốc trầu, có những gốc tuổi đời hàng chục năm. Ngày thường, gia đình tôi thu nhập khoảng 300 - 400 trăm nghìn đồng/ngày; thời điểm này đã bắt đầu cho mùa lễ tết nên số lượng thu hái tăng lên theo nhu cầu của khách hàng, có khi bán được tiền triệu mỗi ngày”.
Qua lời kể của ông Nhứ thì từ xa xưa, các hộ dân trong dòng họ Phạm Công đã chuyên canh những vườn trầu rộng lớn, được lưu truyền là loại trầu “tiến vua” bởi vị thơm nồng khác biệt với trầu trồng ở những vùng lân cận.
Năm 2016, nghề trồng trầu không của dòng họ Phạm Công đã vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam". Đây là niềm tự hào, động lực lớn để con cháu dòng họ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống quý báu của cha ông.
Hiện nay, ngoài dòng họ Phạm Công, nhiều hộ dân ở thôn Văn Sơn cũng đã chuyên canh giống trầu này và coi đây là một nghề mang lại nguồn thu chính cho gia đình.
Nhanh tay thu hái lá trầu để kịp giao cho khách, bà Nguyễn Thị Xuân (hộ trồng trầu ở thôn Văn Sơn) cho biết: “Từ nay đến tết Nguyên đán, vườn trầu hơn 300 gốc của gia đình tôi đã có tiểu thương các chợ ở TP Hà Tĩnh và các cùng lân cận đặt hàng với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/liền trầu, cao gấp đôi so với ngày thường. Thời điểm này, tôi vừa thu hái bán dần, vừa bấm ngọn, bón gốc, chăm sóc theo đúng quy trình để cây ra lá to, đẹp đúng vào dịp Tết”.
Theo những người trồng trầu lâu năm như ông Nhứ, bà Xuân, trồng và chăm sóc cây trầu “dễ mà khó”. Dễ bởi cây trầu sống khỏe, cho lá quanh năm, lại thêm chất đất phù hợp nên người dân vẫn gọi đùa trồng trầu là nghề “đếm lá, thu tiền”. Tuy nhiên, cây trầu lại rất dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh, nấm nên muốn có được những lá trầu vừa to đẹp, cay nồng, thơm ngon thì phải rành kỹ thuật chăm sóc.
Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3 - 5 lá. Cây trầu ưa bón phân hữu cơ, phân vi sinh, không phun thuốc hóa học. Vườn trầu luôn được rào lưới kín để ngăn gia súc, gia cầm gây hại; hạn chế người vào ra. Khi hái lá, không sử dụng dao kéo mà dùng móng tay bấm vào cuống lá, giữ lại cuống dài khoảng 2-3 cm.
Để khuyến khích phát triển nghề trồng trầu không truyền thống ở địa phương, đầu năm 2019, Hội LHPN xã Đỉnh Bàn đã thành lập “Tổ hợp tác trầu không tiến vua”. Ban đầu tổ hợp tác có 30 hộ tham gia, đến nay đã có 70 hộ thành viên. Các hộ thường xuyên sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, giới thiệu đầu mối tiêu thụ ổn định, nhất là vào các dịp lễ tết.
Trên địa bàn xã có trên 100 hộ trồng trầu không, tập trung ở thôn Văn Sơn và một số thôn lân cận. Nghề trồng trầu phù hợp với nhiều đối tượng lao động, cho thu nhập ổn định. Năm 2021, tỉnh đã công nhận nghề trồng trầu không của xã là nghề truyền thống. Đây là cơ sở để địa phương khuyến khích người dân duy trì và từng bước phát triển cây trầu không lên phạm vi và quy mô lớn hơn để vừa tăng thu nhập, vừa bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống.