Tổng thống Putin ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Ngày 7/6, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Văn bản luật này đã được công bố trên cổng thông tin chính thức.

Tổng thống Putin ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Một máy bay của Nga. Ảnh: US Naval Institute

Nga cho rằng quyết định của Mỹ không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở là “một sai lầm chính trị”, trong bối cảnh tổng thống hai nước sắp tiến hành hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này.

Trước đó, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 19/5 đã nhất trí thông qua dự luật trên. Dự luật của Hạ viện Nga nêu rõ Hiệp ước Bầu trời Mở củng cố đáng kể lòng tin trong lĩnh vực quân sự, song quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước này đã làm lung lay cán cân lợi ích quốc gia của các nước tham gia, đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Liên bang Nga. Đến ngày 2/6, với 152 phiếu thuận, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST).

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/5 khẳng định sẽ không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi hồi năm ngoái. Tổng thống Joe Biden cũng đã loại trừ khả năng quay trở lại hiệp ước trên trong bối cảnh hai nước chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moskva thất vọng về việc Mỹ quyết định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở. Theo ông Ryabkov, quyết định của Mỹ sẽ không tạo được bầu không khí có lợi cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này. Có 34 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.

Theo hiệp ước này, các chuyến bay giám sát của mỗi quốc gia được dựa trên hạn ngạch, cả chủ động (quốc gia đó có thể tiến hành) và thụ động (quốc gia đó phải chấp nhận). Các loại máy bay và máy chụp ảnh được sử dụng phải đáp ứng các quy định cụ thể. OST quy định rõ các loại máy chụp hình, vị trí chính xác gắn chúng trên máy bay, độ phân giải của chúng, đồng thời trên chuyến bay có cả đại diện của nước giám sát cũng như nước bị giám sát…

Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Từ New York, người phát ngôn Dujarric khẳng định các bên tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết của mình và nhấn mạnh rằng những cam kết và biện pháp xây dựng lòng tin của các nước quan trọng hơn bao giờ hết.

Sau sự đổ vỡ của Hiệp ước Bầu trời Mở, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga cũng hết hạn. Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất gia hạn New START ít nhất 1 năm mà không có điều kiện tiên quyết. Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố Moskva sẵn sàng cùng Washington “đóng băng” kho vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian gia hạn này. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố muốn gia hạn thỏa thuận, song chưa rõ thời hạn kéo dài là bao lâu.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast