Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh tăng tốc sản xuất để sớm cán đích

(Baohatinh.vn) - Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Hà Tĩnh đang tất bật chốt đơn hàng, tăng tốc sản xuất để sớm về đích kế hoạch năm 2024.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may cả nước, năm nay, Công ty CP May Xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên) phải chật vật tìm kiếm đầu ra sản phẩm và đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng sụt giảm nên hiện tại, công ty chỉ duy trì 150 lao động (giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái) ở 5 dây chuyền sản xuất.

Không khí sản xuất hối hả tại Công ty CP May Xuất khẩu MTV.

Bà Thái Thị Hoa Mai – Kế toán trưởng Công ty CP May Xuất khẩu MTV cho biết: “Do tác động của chính trị thế giới nên kinh tế toàn cầu suy giảm khiến sức mua giảm sút nghiêm trọng. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng nên công ty đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường nội địa. Từ tháng 5, công ty nhận gia công các sản phẩm đồ bơi, đồ lót và gia công hàng jacket cho 1 doanh nghiệp ở miền Nam. Đến thời điểm này, công ty sản xuất khoảng 590.000 sản phẩm, bao gồm cả hàng xuất khẩu và hàng nội địa. Qua đó, doanh thu của công ty đạt 25 tỷ đồng”.

Tháng còn lại của năm 2024, Công ty CP May Xuất khẩu MTV tập trung trả đơn hàng xuất khẩu của Nhật Bản để hoàn thành mục tiêu doanh thu cả năm đạt 30 tỷ đồng. Cùng đó, doanh nghiệp cũng đang xúc tiến sản xuất hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ đối tác Canada và mở rộng tìm kiếm khách hàng ở thị trường nội địa. Công ty đang tích cực tuyển dụng lao động để “phủ kín” 12 dây chuyền; đáp ứng quy mô đầu tư ban đầu để phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Công nhân Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh gia công hàng xuất khẩu.

Cũng đang gấp rút trả đơn hàng cuối năm, thời điểm này, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) đang duy trì sản xuất ở tất cả các dây chuyền. So với thời điểm khó khăn những tháng đầu năm 2024, càng về cuối năm, thị trường may mặc đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Lũy kế đến nay, công ty sản xuất hơn 550.000 sản phẩm may mặc xuất khẩu với doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023).

Ông Phạm Đình Nhân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Để đối tác tin tưởng ký kết các đơn hàng, công ty luôn đảm bảo ngày giao hàng và đáp ứng đúng nhu cầu, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, làm vừa lòng khách hàng. Nhờ vậy, nhiều năm nay, công ty vẫn giữ được mối làm ăn lâu dài với đối tác Nhật Bản. Hiện nay, công ty đã ký kết đơn hàng đến hết quý I/2025. Lượng đơn hàng năm sau sẽ tăng cao nên công ty dự định sẽ mở rộng thêm 3 chuyền sản xuất. Chúng tôi đang tuyển dụng lao động nhưng rất khó tuyển thợ có tay nghề cao vì lao động trẻ, khỏe của địa phương đi xuất khẩu nhiều”.

Các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Hà Tĩnh đang gấp rút trả đơn hàng cuối năm.

Đặt mục tiêu doanh thu 1,8 triệu USD năm 2024, thời điểm này, Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (KKT Vũng Áng, TX Kỳ Anh) đang nỗ lực hoàn thiện các đơn hàng ký kết với đối tác Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các nước cung cấp sản phẩm cho đến hết quý II/2025.

Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh - Đặng Viết Thực thông tin: “Chúng tôi chuyên may gia công áo sơ mi nam cho các nước Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc. Năm nay, tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi với đơn hàng dồi dào, ổn định. Với 7 dây chuyền may, 400 lao động, mỗi tháng xí nghiệp xuất khẩu 150.000 sản phẩm. Đơn hàng ký mới nhiều nên hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch để tuyển thêm lao động lên 800 người, tăng quy mô năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Năm 2025, xí nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 3,7 triệu USD”.

Hà Tĩnh hiện có 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may.

Số liệu từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 11 dự án trong lĩnh vực dệt may (bao gồm sản xuất sợi và sản phẩm may mặc xuất khẩu) với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng (tăng 2 dự án so với năm 2023). Ngoài doanh nghiệp lớn, Hà Tĩnh còn có khoảng 10 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất (dưới 50 lao động/cơ sở) và hàng ngàn hộ cá thể hoạt động may mặc với quy mô nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lĩnh vực dệt may đang tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động.

Năm 2024, Hà Tĩnh khuyến khích, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực dệt may theo định hướng quy hoạch tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may trên địa bàn xuất khẩu bằng container, nhất là tuyến vận chuyển từ Vũng Áng đi các cảng quốc tế nhằm giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử uy tín nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Với nhiều giải pháp, Hà Tĩnh đã nâng doanh thu trong lĩnh vực dệt may ước đạt khoảng 900 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2023).

Chủ đề Thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói