Trong khi không ít doanh nghiệp may mặc trong nước đang phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và hậu COVID-19, Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh khá ổn định.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đã “phủ kín” đơn hàng may gia công đồ bảo hộ lao động và các sản phẩm thời trang đến đầu tháng 7/2024. Để đáp ứng tiến độ các các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan..., doanh nghiệp đang đẩy mạnh các dây chuyền sản xuất. Năm 2024, Công ty CP May xuất khẩu MTV phấn đấu đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu - công nhân Công ty CP May xuất khẩu MTV cho biết: “Khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng, nhiều công nhân phải tạm ngừng công việc thì công ty chúng tôi vẫn duy trì ổn định chuỗi sản xuất với khối lượng đơn hàng lớn. Lương thưởng, chế độ cho người lao động được đảm bảo nên chúng tôi yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Những tháng đầu năm 2024, nhịp điệu lao động tại Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (đóng tại phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh, thuộc Tổng Công ty May 10) diễn ra khẩn trương, hối hả. Cán bộ, người lao động đều phấn khởi khi đơn hàng xuất đi các nước Nhật Bản, Mỹ, khu vực EU… đã được ký kết cho đến đầu quý III/2024.
Ông Đặng Viết Thực – Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh phấn khởi: "Với 7 dây chuyền may, 400 lao động, hiện nay, nhà máy đang nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của các đối tác nước ngoài. Theo đó, bình quân mỗi tháng, đơn vị xuất đi 120.000 sản phẩm. Năm 2023, đơn vị xuất khẩu 976.025 sản phẩm, doanh thu gần 1,4 triệu USD. 2 tháng đầu năm 2024, công ty đã đạt doanh thu 273.303 USD và đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra".
Tại Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), hiện nay, công nhân cũng đang tập trung để hoàn thành các đơn hàng xuất đi thị trường Nhật Bản. Quý I năm 2024, hoạt động của công ty tiếp tục duy trì ổn định với nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết. Với giải pháp tìm kiếm thêm đối tác và mở rộng thị trường, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trên 55 tỷ đồng trong năm 2024.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 11 dự án có quy mô tương đối lớn hoạt động trong lĩnh vực dệt may thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 5 dự án đang hoạt động, 4 dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng). Tổng diện tích sử dụng đất của các dự án khoảng 52,5 ha, tổng vốn đầu tư theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, số lượng lao động 4.500 người. Tổng doanh thu các dự án hoạt động năm 2023 ước đạt khoảng 750 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 10 doanh nghiệp/cơ sở may mặc (có dưới 50 lao động) và hàng trăm cơ sở, hộ cá thể hoạt động với quy mô nhỏ lẻ.
Theo bà Phan Thị Ái – Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hà Tĩnh: Năm 2024, các dự án dệt may đã hoạt động trên địa bàn có kế hoạch tổng doanh thu khoảng 800 tỷ đồng. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực dệt may và da giày theo định hướng tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “Hình thành một số khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên dành cho các doanh nghiệp dệt may và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành dệt may tại thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc và một số địa phương khác nhằm tạo liên kết sản xuất, cung ứng vật liệu, linh kiện”. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại thị trường nước ngoài và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử uy tín nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.