Đồng chí Trần Phú - người con ưu tú của núi Hồng, sông La

(Baohatinh.vn) - Hy sinh khi đang hừng hực sức trẻ, nhiệt huyết cách mạng, tên tuổi người con ưu tú của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Hà Tĩnh - Tổng Bí thư Trần Phú luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong trái tim hàng triệu người bị áp bức.

161d6155135t8327l5-106d0224306t4411l10.png
Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Nguồn: TTXVN

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng sinh ra ở phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa bảng - nơi được mệnh danh “đất thiêng, người giỏi”, nơi có dòng sông La thơ mộng ngời lên bao sự tích anh hùng.

Theo gia phả họ Trần đại tôn thì dòng họ này về Hà Tĩnh từ năm 1532, định cư vào Việt Yên hạ, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh) đến Trần Phú là đời thứ 18. Một dòng họ có người làm quan to, phong hầu ở các triều Lê, Nguyễn; ở một làng nổi tiếng hiếu học, học giỏi, đời nào cũng có người đỗ đạt cao của xứ Nghệ.

Cụ thân sinh của Trần Phú là ông Trần Văn Phổ, người học giỏi nổi tiếng trong vùng, thi đậu giải Nguyên triều vua Thành Thái, được cử làm Giáo thụ Quảng Ngãi, Phú Yên, rồi làm Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Cuộc đời ông Phổ làm quan thanh liêm, hiểu được nỗi khốn khó của người dân mất nước, đã tuẫn tiết trước công đường để phản đối những đòi hỏi của quân Pháp về việc cung cấp lương thảo tiếp tay đàn áp phong trào nổi dậy của dân chúng trong vùng.

Tấm gương của ông đã để lại những tình cảm sâu nặng với người dân Quảng Ngãi đương thời. Thân mẫu của Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, sinh ra trong gia đình nhà nho quê ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đó là người phụ nữ nhân hậu, yêu chồng, thương con, gắn bó với xóm làng. Bà sinh được 8 người con và mất sau 2 năm khi ông Phổ qua đời.

Tuổi thơ Trần Phú sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nỗi đau mất người thân đã rèn cho Trần Phú đức tính chịu đựng gian khổ, cứng cỏi, tự lập, tự tin. Từ nhỏ, Trần Phú đã nổi tiếng ham học, học giỏi nên bao giờ cũng vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Từ lớp học đồng ấu ở Quảng Trị tới Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Đông Ba rồi Quốc học Huế, Trần Phú luôn là người đứng đầu lớp, đầu khóa. Anh luôn ý thức phấn đấu để trở thành người giỏi về học vấn, có kiến thức để sau này làm được nhiều việc có ích.

Năm 1922, sau khi Trần Phú thi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Huế, người anh cả Trần Kim Tương đã nằm trùm chăn quay mặt vào tường, người nhà thắc mắc thì ông than rằng, dẫu rất mừng vì em đáp ứng được lòng mong mỏi của gia đình, song lại buồn vì ngày xưa cha cũng từng đỗ đầu mà con đường làm quan lại bi phẫn... Nhưng Trần Phú đã hiểu rõ chốn quan trường nghiệt ngã, đó không phải là con đường anh chọn. Sau này, người anh cả được an ủi khi thấy Trần Phú chọn nghề dạy học, cái nghề lương thiện có thể tạo nên những con người có ích cho dân, cho nước; và về sau, càng mừng, tự hào hơn khi con đường em mình đi cũng vì dân, vì nước, không đơn độc, đường hướng rõ ràng, bừng sáng niềm tin phía trước.

Những năm tháng dạy học Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh - Nghệ An) với lòng nhiệt tình, năng động và trí tuệ của tuổi trẻ, chưa bao lâu, Trần Phú đã nổi tiếng là giáo viên dạy giỏi, giàu lòng nhân ái, có tinh thần đoàn kết thu phục lòng người. Những cuộc dã ngoại trong kỳ nghỉ hay khi đàm đạo việc nước, đọc thơ ca yêu nước của cụ Phan Bội Châu đã nhen nhóm trong học sinh tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp xâm lược.

Ở Vinh, Trần Phú được gặp gỡ những người đồng môn, những bạn bè lớp trước từng trải, cùng chí hướng. Điều kiện dạy học và hoàn cảnh xã hội, phong trào đấu tranh ở Vinh lúc ấy là môi trường thuận lợi cho Trần Phú thực hiện lý tưởng mà bấy lâu anh ấp ủ, mong đợi. Năm 1925, sau khi tham gia thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam), Trần Phú được cử sang dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu - Trung Quốc. Ở đây, Trần Phú vinh dự được gặp một người đi trước vĩ đại - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chính Người đã trực tiếp truyền dạy chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho anh và đặt tên mới cho Trần Phú là Lý Quý.

161d6154944t887l0-70d0221301t9719l4-12.jpg
Di tích cách mạng số 90, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm (Hà Nội), nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị. Ảnh tư liệu, chụp năm 1960.

Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, giành lại độc lập cho đất nước, Trần Phú và những người đồng chí của mình đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền thêm sức mạnh về tinh thần yêu nước; hướng đến dưới sự lãnh đạo của một đảng chân chính, đoàn kết mọi giai tầng xã hội, phá bỏ cường quyền áp bức, coi công nông là gốc, là những người làm chủ cách mạng trong mối quan hệ với bạn bè năm châu…, đó là những quan điểm, nhận định, chủ trương đúng đắn, sáng tạo, khoa học.

Cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc đã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng, giúp Trần Phú có bước chuyển vượt bậc về nhận thức, tư tưởng. Sau khi về nước hoạt động, Trần Phú tiếp tục được cử sang học tại Trường Đại học Phương Đông (Mátxcơva). Dù anh vào học có muộn hơn, phải học nhiều môn khá nặng, khó khăn về ngoại ngữ, nhưng Trần Phú đã bắt kịp chương trình, trở thành học viên vững vàng, nổi trội. Anh còn tham gia tích cực vào các hoạt động của Đảng và Quốc tế Cộng sản. Với tư cách là Bí thư nhóm học viên Việt Nam tại trường, anh đã giúp đỡ các đồng chí khóa sau trong học tập hết sức hữu ích.

Về nước, đồng chí Trần Phú được giao soạn thảo Luận cương Chính trị, thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930) và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi.

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, thấy được sự áp bức, bất công của thực dân xâm lược và phong kiến tay sai, anh đã có những hoạt động yêu nước, đấu tranh. Tiếp tục được Nguyễn Ái Quốc dìu dắt, hướng dẫn; sớm giác ngộ, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, anh đã trở thành một trong những người chủ chốt thuộc lớp tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Mặc dù đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ khoảng nửa năm, hy sinh khi mới 27 tuổi, nhưng những cống hiến của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam hết sức to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trước hết, về lý luận và đường lối cách mạng, đó là Luận cương Chính trị và các văn kiện của Đảng khi mới thành lập; những đóng góp về xây dựng tổ chức Đảng; xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng. Anh là người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; tấm gương cộng sản bất tử; người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh.

bqbht_br_127d1181902t3285l5-2-1504.jpg
Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, những năm tháng ấu thơ gian khổ, với tình yêu quê hương trong nỗi đau mất nước cùng hình ảnh, câu chuyện về cái chết uất ức đến cao độ của người cha nơi công đường đã giúp anh nhận ra đường hướng cách mạng, trở thành nhà lý luận xuất sắc, người lãnh đạo trí tuệ, sáng tạo của Đảng vào những thời điểm cam go của cách mạng Việt Nam.

Truyền thống vẻ vang của gia đình, dòng họ, truyền thống lịch sử văn hóa, hiếu học của Tùng Ảnh, của vùng đất núi Hồng, sông La đã hun đúc, chắp cánh cho anh vươn đến tầm cao, trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng với nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Hy sinh ở tuổi hừng hực sức trẻ, nhiệt huyết cách mạng, tên tuổi của Tổng Bí thư Trần Phú luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong trái tim hàng triệu người bị áp bức. Câu nói cuối cùng của đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” là lời nhắn nhủ các thế hệ tiếp nối không bao giờ chịu khuất phục trước mọi hiểm nguy, đã trở thành lẽ sống, niềm tin cho hôm nay và mai sau.

Cuộc đời đầy vẻ vang khi tuổi thanh xuân anh chưa đi hết đã được các thế hệ người Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh và quê hương Tùng Ảnh đi tiếp đến vinh quang. Đặc biệt, các thế hệ trong đại gia đình của Tổng Bí thư Trần Phú sau này đều là đảng viên, nhiều người thành đạt, có người anh dũng hy sinh trong kháng chiến, có người trở thành anh hùng lao động, là tiến sĩ, kỹ sư với nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Chủ đề 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đọc thêm

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.