Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (cho vay nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Theo đó, các ngân hàng thương mại ở Hà Tĩnh đã chủ động tiếp nhận đề xuất xin vay vốn của khách hàng; tiến hành rà soát, phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ưu tiên theo quy định; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Các ngân hàng ở Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các gói vay theo lĩnh vực ưu tiên.
Theo số liệu của ngành chuyên môn, đến thời điểm này, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đạt hơn 36.900 tỷ đồng, tăng khoảng trên 3% so với thời điểm 31/12/2022.
Thực tế cho thấy, ngoài Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, khối ngân hàng thương mại cổ phần như: Sacombank, Bắc Á Bank, HDBank, VPBank… cũng đã dần chú trọng cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện theo nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Tiếp cận nguồn vốn ưu tiên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn sẽ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Cho vay xuất khẩu là một trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hữu hiệu để tiến tới giảm lãi suất cho vay.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh khả quan...