Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đạt trên 11.090 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng dư nợ hiện đạt trên 11.090 tỷ đồng, tăng khoảng 4,62% so với thời điểm cuối năm 2022.

Theo ghi nhận, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đang tập trung phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn do tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế nên cần nguồn lực đầu tư lớn từ phía các “nhà băng”.

Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đạt trên 11.090 tỷ đồng

Các ngân hàng đang nỗ lực “bơm vốn” phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những lĩnh vực tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn đã chú trọng hướng tín dụng vào khu vực này với các giải pháp như: tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, xử lý hồ sơ khách hàng ở mức nhanh nhất kể từ khi tiếp nhận thông tin; áp dụng biểu lãi suất cho vay ưu đãi...

Nhìn chung, các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay hoạt động trên đa dạng các lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, may mặc xuất khẩu, nuôi trồng thuỷ hải sản...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 11.090 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,4% tổng dư nợ toàn địa bàn và tăng khoảng 4,62% so với thời điểm cuối năm 2022.

Theo rà soát, một số ngân hàng có dư nợ lĩnh vực này tương đối lớn như: Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, VietinBank Chi nhánh Hà Tĩnh, HDBank...

Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đạt trên 11.090 tỷ đồng

Các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Tĩnh được ngành ngân hàng hỗ trợ vốn phát triển.

Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh. Cùng đó, chủ động phối hợp và thực hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để đủ điều kiện tiếp cận dòng vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục đổi mới, thích ứng chủ động, linh hoạt với cơ chế kinh tế thị trường; chú trọng xây dựng cơ chế tài chính công khai, minh bạch; đổi mới, nâng cao năng lực về mọi mặt; thực hiện sản xuất - kinh doanh hiệu quả...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast