Xác định nông – lâm – thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Tĩnh, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển các mô hình tăng cao, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động “bơm vốn” ra nền kinh tế với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay.
Đặc biệt, khách hàng vay vốn đầu tư lĩnh vực nông – lâm – thủy sản còn được hưởng chính sách tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025.
Nhờ nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, có liên doanh, liên kết bền vững. Lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản cũng phát triển gắn với việc xây dựng thương hiệu OCOP, tạo niềm tin cho thị trường... Các mô hình đã tạo việc làm, đóng góp quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, dư nợ tín dụng đối với ngành nông – lâm – thủy sản trên địa bàn đạt trên 12.963 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2023.
Từ nay đến tết Nguyên đán, dự báo nhu cầu vay vốn lĩnh vực nông – lâm – thủy sản của Hà Tĩnh tiếp tục tăng. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.