Đũa cau rừng Phúc Trạch: Cận tết, muốn mua phải đặt trước cả tuần!

(Baohatinh.vn) - Không ồn ào, khoa trương nhưng sản phẩm đũa cau rừng Phúc Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh) vẫn thu hút khách hàng khắp cả nước. Càng sát Tết, làng đũa “cau năng rưng” lại càng hối hả, nhộn nhịp hơn.

dua cau rung phuc trach can tet muon mua phai dat truoc ca tuan

Cận tết, có thời điểm người làm đũa phải làm đến 1 giờ sáng mới đủ số lượng giao cho khách hàng.

Hơn 20 năm về trước, ở xã Phúc Trạch đã hình thành nghề làm đũa, loại đũa đặc biệt được làm từ thân cây cau rừng (tên địa phương là cau năng rưng). Từ những ngày đầu, vót đũa chỉ là nghề phụ, người dân làm thêm trong những ngày nông nhàn, phục vụ khách hàng trong thôn, xã. Do chất lượng, mẫu mã đẹp, được làm thủ công, không sử dụng hóa chất bảo quản, đũa cau rừng ngày càng được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Không biết tự bao giờ, đũa cau rừng của người Phúc Trạch “lên đời” thành quà biếu ngày lễ tết. Bởi thế, cứ đến khoảng tháng 10 âm lịch, những nhà làm đũa trong làng lại tất bật. Có mặt ở thôn 1, xã Phúc Trạch những ngày này, ở đâu cũng thấy người đẽo, người bào cả ngày vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách.

Chị Hà - một người làm đũa trong làng chia sẻ: “Cứ đến dịp gần Tết âm lịch là khách đặt hàng lại tăng đột biến, có khi cả gia đình phải chong đèn làm đến 1h sáng mới kịp giao hàng. Nếu muốn mua khoảng 100 đôi đũa trở lên thì phải đặt trước cả tuần mới có”.

Đũa cau rừng được chia thành nhiều loại, đũa đặc biệt được làm từ phần gốc, càng về ngọn, chất lượng đũa càng giảm và vì thế, giá cũng rẻ hơn. Hiện tại, đũa cau rừng có giá bán khoảng 5 nghìn đồng/đôi đối với loại đặc biệt, mức giá này cao hơn so với các năm trước.

Ông Mạnh - người làm đũa ở thôn 1 lý giải: Do cây cau rừng khan hiếm nên giá nguyên liệu ngày càng lên cao. Thời điểm hiện tại, một cây cau rừng có giá khoảng 80 nghìn đồng, cao gấp đôi so với trước. Để kiếm được cây nguyên liệu, người đi rừng phải lặn lội từ Hương Khê trở ra rừng Hương Sơn, giáp ranh với Nghệ An. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 5-10 ngày, mỗi ngày, trung bình chỉ được 5 cây. Bởi thế, khi cây cau về đến làng Phúc Trạch đã có giá khá cao.

Còn theo ông Dũng - một người dân địa phương thường xuyên đi rừng thì cây cau rừng rất đặc biệt. Bình thường, cây có tuổi thọ khoảng 30 năm đã có thể làm đũa. Ở khu vực rừng Hương Khê, cây cau già đã được săn hết từ lâu, còn ở Hương Sơn, người dân thường chặt cây để lấy quả bán cho thương lái Trung Quốc hoặc lấy ngọn để làm thực phẩm nên cây cau rừng cũng ngày càng khan hiếm.

Được biết, cây cau năng rưng có hình dáng như cây cau thường, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, cao khoảng 6-8m. Tuy nhiên, chỉ có 2m phần gốc đủ độ cứng để làm đũa. Làm đũa cau không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua 8 công đoạn: Cắt, chẻ, đẽo, bào phả, bào trau, mít, chà, phơi (hoặc sấy). Riêng công đoạn “bào trau” là quan trọng nhất và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm, không phải người nào cũng làm được vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều đặn trong từng đường bào. Mỗi người bình thường mỗi ngày có thể làm ra 100 đôi, sau khi trừ chi phí có thu nhập khoảng 150 - 200 nghìn đồng. Với những ngày cận tết, thu nhập có thể cao hơn.

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.