Tôi đã từng nghe cậu bạn của mình kể về một kỷ niệm buồn thời thơ bé. Ngày ấy, bố của bạn tôi làm việc xa nhà, ngày cuối tuần mới về thăm vợ con. Công việc đặc thù nên suốt thời thơ ấu của cậu, bố gần như không có mặt.
Nhiều người lớn có thói quen lấy sự ngơ ngác, giận dỗi của trẻ làm vui (Ảnh internet).
Dù không được ở gần nhau nhưng hai bố con vẫn rất gần gũi và cậu luôn chờ đợi những chiều cuối tuần để được gặp bố. Thế rồi, những người hàng xóm cứ rỉ tai với cậu rằng: “Bố mày có dì hai rồi, không về với mẹ con mày nữa đâu!”. Đầu óc non nớt của cậu bé chưa hiểu “dì hai’ là gì nhưng câu nói đó của người lớn cũng đủ gây cho cậu một nỗi lo sợ mất bố.
Cậu bạn chạy về nhà khóc như mưa với mẹ, được mẹ vỗ về an ủi và mỗi cuối tuần bố vẫn về thăm, vẫn dành tình yêu thương nhưng câu nói đó đã ám ảnh cậu suốt cả thời thơ ấu.
Mãi sau này, cậu bạn vẫn thường nói với tôi: “Với trẻ con, đó không phải là câu nói đùa mà là một sự độc ác! Nó làm tổn thương tâm hồn non nớt của những đứa trẻ.”
Câu chuyện của bạn tôi có lẽ không xa lạ, có thể gặp rất nhiều trong cuộc sống nhưng ít ai hiểu rằng, nó gây ra những thương tổn không đáng có đối với một đứa trẻ như thế nào. Đó là những lời nói đùa tiêu cực mà một đứa trẻ không đáng phải nghe.
Trẻ rất dễ phát sinh cảm xúc tiêu cực khi bị đùa cợt (Ảnh internet).
Với rất nhiều người, trong đó có tôi, ngày bé, thay vì đón niềm vui mẹ sinh thêm em bé thì lại phải trải qua cảm giác tủi thân, hụt hẫng, thậm chí tức giận, ghét bỏ em bé vì câu nói đùa vô duyên của người lớn: “Mẹ có em bé rồi, không yêu cháu nữa đâu!”.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng khi lần đầu tiên nghe người lớn nói câu nói đó. Từ niềm háo hức đón em bé chào đời, tôi cảm giác mình sắp bị bố mẹ bỏ rơi, cô đơn và lạc lõng.
Đó hẳn nhiên là những điều mà người lớn không hiểu hết được, bởi với họ, đó chỉ là đùa vui. Nhưng thực tế, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khi trẻ lớn ghét bỏ, gây tổn thương, đánh đập trẻ nhỏ vì tưởng câu nói đùa đó của người lớn là sự thật.
Người lớn cần tôn trọng cảm xúc của trẻ khi trò chuyện (Ảnh internet).
Những câu đùa của người lớn, ban đầu chỉ gây sự hụt hẫng, lo lắng, nhưng nhiều người lớn coi sự ngơ ngác của trẻ là một điều gì đó rất buồn cười và tiếp tục trêu đùa. Từ đó, trẻ càng phát sinh những cảm xúc tiêu cực, trẻ có thể cáu giận, gào khóc nhưng người lớn vẫn cười cợt, mỉa mai mà không mảy may quan tâm đến tâm lý của trẻ.
Ngoài việc đùa cợt, người lớn vẫn thường dọa dẫm trẻ những điều phi thực tế, tiêu cực như: Không ăn sẽ bị ông “ba bị” bắt mang đi, không ngoan sẽ bị chú công an bắt giam…
Chuyện “đùa ác” và “hài hước” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau; việc “doạ cho sợ” và “dạy con” cũng không đồng nghĩa. Thế nhưng, không phải ai cũng nhìn ra ranh giới của những khái niệm đó. Và đôi khi, sự tổn thương của trẻ khi phải nghe những câu đùa tiêu cực là điều khó mà đong đếm.