Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

(Baohatinh.vn) - Nhiều ý kiến tâm huyết đã được các nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất nhằm góp phần đưa văn hóa Hà Tĩnh ngày càng phát triển xứng tầm với truyền thống của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Chiều 19/6, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tổ chức chương trình tọa đàm “Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật Hà Tĩnh".

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà Tân cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, nhà nghiên cứu văn hóa tham dự.

Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Đề dẫn chương trình tọa đàm khẳng định: văn hóa là một lĩnh vực gắn bó mật thiết với tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, nên năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay xây dựng, khởi thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

Với “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh văn hóa. Đảng xác định nội dung, tính chất, định hướng phát triển của cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau 80 năm thực hiện, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nhiều giá trị. Văn kiện này đã đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sỹ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập trình bày báo cáo đề dẫn chương trình tọa đàm.

Phát huy những giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa mới được xây dựng, nhiều hủ tục bị xóa bỏ.

Đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng lớn mạnh, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị; công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm, nhiều di tích được đầu tư tôn tạo, phát huy tốt giá trị; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Nhà văn Đức Ban - Chi Hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh: Lãnh đạo các cấp ngành cần chú trọng đào tạo đội ngũ sáng tạo văn hóa, VHNT; có chính sách đặt hàng các tác phẩm VHNT để khuyến khích sự sáng tạo của văn nghệ sỹ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế như: môi trường văn hóa chưa thực sự văn minh, lành mạnh; nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững quê hương, đất nước có lúc, có nơi, có mặt chưa đầy đủ.

Văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với KT-XH. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn hạn chế; việc đầu tư các thiết chế văn hóa, nhất là tuyến cơ sở còn nhiều khó khăn. Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vẫn chưa được triển khai xây dựng, Trung tâm Văn hóa TP Hà Tĩnh chưa được đầu tư đúng tầm...

Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu đề xuất những ý kiến để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa đã đóng góp nhiều tham luận khẳng định giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943; quá trình kế thừa đề cương và những thành tựu của ngành Văn hóa Hà Tĩnh qua các thời kỳ. Đồng thời, đề xuất nhiều ý kiến đưa văn hóa Hà Tĩnh ngày càng phát triển xứng tầm với truyền thống của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Các ý kiến cũng bày tỏ sự trăn trở về một số vấn đề mà ngành văn hóa Hà Tĩnh đang còn vướng mắc như: tiềm năng văn hóa ở một số địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh chưa được khai thác, phát huy xứng tầm; công tác phát triển, sưu tầm và lưu giữ các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống như lễ hội, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống... chưa được quan tâm.

Một số di tích lịch sử - văn hóa xuống cấp, mai một. Các chuyên ngành như biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, bảo tàng, phát hành sách đang gặp khó khăn. Nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sỹ có uy tín còn thiếu hụt; chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, phản ánh công cuộc xây dựng và phát triển quê hương...

Đưa văn hóa Hà Tĩnh phát triển xứng tầm mảnh đất “địa linh nhân kiệt”

Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh đóng góp tham luận về “Vai trò của đội ngũ nghệ nhân trước nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa”.

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập ghi nhận, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, những hiến kế hữu ích của các đại biểu; đồng thời khẳng định, đây sẽ là cơ sở để ngành văn hóa đề xuất lên cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong sự nghiệp xâu dựng và phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast