Đưa vụ Đông thành vụ chính: Chính sách phải đến người sản xuất!

(Baohatinh.vn) - Quyết định số 2805/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 (QĐ 2805) của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định chính sách hỗ trợ giống phục vụ sản xuất vụ đông năm 2017, trong đó hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cho hộ nông dân sản xuất ngô, rau các loại với số tiền hơn 23,1 tỷ đồng. Vận hành chính sách dân chủ, công bằng với cả nông dân lẫn doanh nghiệp (DN), kỳ vọng tạo thuận lợi cho vụ đông 2017...

Hơn 23,1 tỷ đồng hỗ trợ mua giống ngô, rau…

Quyết sách này được đưa ra sau bão số 10 gây hậu quả nghiêm trọng và cụ thể hóa bằng QĐ 2805. Hơn 23,1 tỷ đồng kinh phí sẽ trích từ nguồn hỗ trợ của trung ương khắc phục hậu quả bão số 10 và bố trí ngân sách tỉnh khi trung ương không đáp ứng đủ.

dua vu dong thanh vu chinh chinh sach phai den nguoi san xuat

Vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà)

Có lẽ, hiếm khi vụ đông nhận một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ như vậy. Nguồn lực này đủ để bù đắp thiếu hụt về giống của bà con nông dân sau thiên tai liên tiếp vừa qua, tạo động lực phủ kín diện tích các loại cây trồng chính. Điều quan trọng hơn, 100% giống rau, ngô vụ đông 2017 được thay mới, là cơ hội để các vùng sản xuất tái cơ cấu bộ giống và quy hoạch sản xuất.

Với tổng đàn gia súc lớn, sản phẩm vụ đông ở Hương Sơn hàng năm phục vụ chăn nuôi của địa phương là chính. Chủ yếu là ngô, địa phương này dự kiến sản xuất 2.100 ha, trong đó, hơn 1.200 ha ngô lấy hạt. Ông Lê Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhu cầu sản xuất ngô làm thức ăn của bà con rất cao. Năm nay, chỉ khoảng 200 ha liên kết với DN, còn lại là để phục vụ tại địa phương. Việc được hỗ trợ nguồn giống sẽ giúp bà con nông dân phủ kín diện tích”.

Thông tin hỗ trợ giống mới cũng khiến người nông dân vui mừng. Giữa lúc khó khăn thì quyết sách chính là “cú hích” để nông dân khôi phục sản xuất một cách ổn định. Ông Trần Viết Chu - Giám đốc HTX Hoàng Chu (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho hay: “Rau, củ, quả trên cát đã thực sự cho hiệu quả, nhất là đối với những sản phẩm vụ đông. Năm 2016, HTX thu lãi 150 triệu đồng trên 2 ha canh tác. Việc được hỗ trợ giống giúp người nông dân chủ động hơn trong sản xuất, không phải đối mặt với khan hiếm hàng vào chính vụ. Ngoài giống, mong tỉnh có thêm chính sách mang tính chiến lược lâu dài về đất đai để các HTX mạnh dạn đầu tư hạ tầng, phát triển bền vững”.

Theo lộ trình, tiền hỗ trợ được UBND tỉnh cấp ứng về các huyện chủ động thực hiện. Theo đó, UBND cấp huyện lựa chọn đơn vị cung ứng giống theo quy định, ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán trực tiếp cho các đơn vị cung ứng.

“Nút thắt” cần tháo gỡ

Vào thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 1.000 ha rau; 300 ha khoai lang; 600 ha ngô cả lấy hạt và sinh khối. Ở cuộc họp bổ cứu sản xuất mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý để các địa phương lựa chọn nhà cung ứng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh của DN. Có nghĩa, UBND các huyện phải đăng tải thông tin công khai và mời DN tham gia chào hàng, dựa trên các tiêu chí để lựa chọn nhà cung ứng.

dua vu dong thanh vu chinh chinh sach phai den nguoi san xuat

Việc hỗ trợ nguồn giống kịp thời sẽ giúp người dân phủ kiến diện tích vụ đông.

Xét góc độ quản lý nhà nước, quy trình này không chỉ giúp địa phương lựa chọn được năng lực của DN mà còn minh bạch hóa mạng lưới cung ứng, tuân thủ theo quy luật của thị trường và kiểm soát tốt cả chính sách lẫn nguồn cung. Điều này là để hạn chế thực trạng lâu nay vẫn diễn ra khi cơ quan quản lý nhà nước “nhúng tay” quá sâu vào mạng lưới cung ứng. Sản xuất bị áp đặt, “lọt” kiểm soát chất lượng, giá cả nguồn giống, khiến môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Theo QĐ 2805, UBND cấp huyện đóng vai trò chủ trì, từ lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng đến thanh, quyết toán. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp phải những “nút thắt” khó tháo gỡ. Hơn 1 tuần sau khi Quyết định 2805 được ban hành, gần như chưa có địa phương nào hoàn thành được quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, đơn vị cung ứng. Theo các địa phương, vừa phải đăng tải công khai mời thầu (ít nhất 3 DN tham gia), đánh giá báo giá, trình thẩm định, phê duyệt rồi mới tới ký kết hợp đồng rất khó để thực hiện khi thời gian quá gấp rút như vụ đông 2017.

Thêm vào đó, một số vướng mắc, chồng chéo trong thực hiện các quy định về ký hợp đồng kinh tế cũng khiến các địa phương “rối như tơ vò”, mỗi nơi một phách và có nguy cơ gây “nghẽn” quy trình giải ngân. Trong khi ở một số huyện quyết định “chiếu” theo chính sách 2805, UBND huyện đứng chủ trì ký kết hợp đồng thì một số nơi lại giao trách nhiệm đó cho trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện...

Theo ý kiến một số chuyên gia, chính quyền cấp huyện không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc hẳn vào điều khoản của QĐ 2805. Vì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cũng cho phép đại diện hợp pháp của pháp nhân có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác ký hợp đồng kinh tế (Điều 9).

Thời vụ không chờ đợi ai. Hiện, do nhu cầu của các thị trường đều cao, một số giống cây đã bắt đầu khan hiếm, đơn vị cung ứng như “đứng ngồi không yên” vì đến thời điểm này vẫn phải chờ đợi địa phương “chốt” danh sách. “Ôm” hàng thì sợ lỗ, không thì sợ thiếu, DN có đủ sức “thi gan”? Và thực tế, sản xuất vẫn buộc phải diễn ra, nếu nguồn hỗ trợ thiếu kịp thời, chính sách sẽ không còn giá trị cấp thiết, nhất là sau thiệt hại do thiên tai!

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.