Dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê (bài 2): Tránh tổn thất tài nguyên, hệ lụy môi trường!

(Baohatinh.vn) - Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh), các chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ lo ngại nếu tiếp tục khai thác sẽ gây tổn thất lớn tài nguyên, nhiều hệ lụy về môi trường và lãng phí hàng ngàn tỷ đồng.

VIDEO: Đoàn công tác Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam khảo sát hiện trường khu vực mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh).

Từ thực tiễn triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời gian qua và qua các nghiên cứu, hội thảo khoa học cho thấy, việc triển khai dự án có rất nhiều khó khăn, hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả KT-XH thấp, tác động lớn đến đời sống KT-XH của người dân vùng bị ảnh hưởng.

dung khai thac mo sat thach khe bai 2 tranh ton that tai nguyen he luy moi truong

Kỹ thuật inforgraphics: Huy Tùng

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, trữ lượng quặng sắt đã thăm dò tại mỏ sắt Thạch Khê là 544 triệu tấn, nhưng trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác theo dự án điều chỉnh chỉ 340 triệu tấn.

dung khai thac mo sat thach khe bai 2 tranh ton that tai nguyen he luy moi truong

GS.TSKH Đặng Trung Thuận nói về trữ lượng mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh).

“So với trữ lượng đã được phê duyệt trước đây, thì trong lòng đất (sau khai thác) còn lại khoảng 200 triệu tấn trữ lượng và tài nguyên. So với tổng trữ lượng quặng sắt đã được thăm dò trên toàn lãnh thổ Việt Nam (trừ mỏ sắt Thạch Khê), thì tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt bị bỏ lại tại mỏ sắt Thạch Khê lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác gộp lại. Như vậy, tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!” - TS Thuận nêu.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cũng cho rằng, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà. “Đối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát, thì đất đai ở đây sẽ dần nhiễm mặn, do vậy, thảm thực vật tự nhiên sẽ lụi tàn dần” - GS.TSKH Đặng Trung Thuận bày tỏ quan ngại.

VIDEO: Mỏ sắt Thạch Khê nhìn từ vệ tinh (kỹ thuật: Công Ngọc)

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cũng bày tỏ băn khoăn khi tại sao một mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, đã có một vài nhà tư bản quốc tế trên lĩnh vực này quan tâm, nhưng họ không tiến hành thăm dò, khai thác? Phải chăng, họ thấy không có lợi nên không làm?

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng cũng bày tỏ lo ngại, khi khai thác mỏ sẽ tạo hồ thủy lợi sâu 500m. Đây là hố rất sâu chưa bao giờ có, kể cả biển hồ ở Kon Tum cũng chỉ 100m, vậy giải pháp sau khi khai thác như thế nào?

dung khai thac mo sat thach khe bai 2 tranh ton that tai nguyen he luy moi truong

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng

Theo các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực mỏ địa chất, môi trường, kinh tế… khai thác mỏ ở độ sâu âm trên 500m, moong mỏ lại nằm gần bờ biển, việc xử lý, giảm thiểu sóng biển phải được tính toán rất kỹ. Việc đổ bãi thải lấn biển sẽ làm biến dạng bờ biển, thay đổi dòng hải lưu gần bờ, cần phải đánh giá tác động khoa học đến hải dương học.

Theo phân tích của PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, quan điểm hiện đại trong khai thác khoáng sản trên thế giới và Việt Nam là khai thác và sử dụng tổng hợp các loại tài nguyên khoáng sản đi kèm khoáng sản chính.

dung khai thac mo sat thach khe bai 2 tranh ton that tai nguyen he luy moi truong

PGS.TS Lưu Đức Hải

Tuy nhiên, căn cứ báo cáo đầu tư và báo cáo tác động môi trường điều chỉnh của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì TIC chỉ tập trung vào khoáng sản chính là quặng sắt (Fe), còn các nguồn tài nguyên khác chưa được tận dụng, bị xem là chất thải.

“Có thể kết luận rằng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa xuất phát từ quan điểm khai thác tổng hợp các giá trị tài nguyên đi kèm với quặng Fe. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cần bổ sung các phương án kinh tế nếu tính toán khai thác và tận dụng các tài nguyên đi kèm” – TS Lưu Đức Hải chốt lại.

Nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì phải sử dụng công nghệ nào, của nước nào? Đây là dự án lớn liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là môi trường. Tuy nhiên, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa hoàn thiện. Việc suy thoái hệ thống nước ngầm như thế nào trong khi độ dày trầm tích chỉ có hơn 30m? Thạch Khê có hệ thống nước ngầm tầng mặt, nước ngầm khu vực rất lớn, nếu nguồn nước xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của khu vực xung quanh. Vì vậy, giải quyết vấn đề này trong quá trình khai thác mỏ ra sao?

dung khai thac mo sat thach khe bai 2 tranh ton that tai nguyen he luy moi truong

Hiện trưởng moong mỏ sắt Thạch Khê

Ngoài ra, nếu khai thác với công nghệ như hiện nay, mỗi năm sẽ xả chất thải rắn khoảng từ 3.600 - 4.800 tấn và hàng nghìn m3 nước thải kim loại nặng. Việc kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, khai thác mỏ như thế nào?

Theo các nhà khoa học, khối lượng đất thải rất lớn, hơn 194 triệu m3 đổ vào bãi thải đất liền phía Bắc của mỏ, hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải phía Nam, tạo ra cao trình 90m. Đây sẽ là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm vì bão bụi, sạt lở. Phương án ứng phó với nước biển dâng, bão, siêu bão, sóng thần trong báo cáo ĐTM chưa được làm rõ và nguy cơ xảy ra thảm họa hoàn toàn có thể xảy ra...

(Còn nữa)

Chủ đề Mỏ sắt Thạch Khê

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.