Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

(Baohatinh.vn) - Ngắm công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) qua hình ảnh flycam của một đồng nghiệp, tôi mới thấy hết sự hùng vĩ của nó, càng thêm khâm phục ý chí và sức mạnh của những con người đã kiến tạo nên công trình thủy lợi mang tầm vóc lịch sử này.

Video: Ông Nguyễn Hoàng Trạch - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói về công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ

Những người “phá đá, đào sỏi” đầu tiên

Trong sự khâm phục và ngưỡng mộ ấy, xuôi dòng Kẻ Gỗ, tôi tìm gặp lại những con người một thời “phá đá, đào sỏi” làm nên công trình thay đổi cuộc sống của hàng vạn người dân vùng quê nghèo Hà Tĩnh.

Tiếp tôi tại phòng làm việc, ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Tĩnh, nguyên Chủ nhiệm Công ty Xây lắp thủy lợi 3 hào hứng kể lại ngày đầu tiên ấy: “Thời điểm chúng tôi nhận nhiệm vụ đi xây hồ Kẻ Gỗ là tháng 6/1975, lúc đó miền Nam vừa được giải phóng, niềm vui hân hoan, rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người. Đơn vị tôi vừa mới thành lập, gồm 600 người, đa số là nữ. Tất cả đều là những TNXP vừa rời chiến trường trở về. Thay vì tâm lý nghỉ ngơi, chúng tôi đều cảm thấy phấn chấn, hào hứng trên mặt trận mới, xây dựng và phục hồi đất nước sau chiến tranh”.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh

Trước lúc tiến hành xây dựng, hồ Kẻ Gỗ bây giờ là vùng lòng đất rộng mênh mông, đồng hoang, nước mặn, đồi núi nhấp nhô, dân cư thưa thớt và nghèo đói. Để “nên hình, nên dạng” một công trình đại thủy nông chứa đầy nước ngọt tưới tắm cho hàng vạn ha đất cằn cỗi rộng lớn thành xanh tươi, trù phú vùng Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh như bây giờ, công việc của những đơn vị tiền trạm khai phá lòng hồ vô cùng vất vả.

“Nhiệm vụ của chúng tôi lúc bấy giờ là tiến hành cải tạo những mặt bằng nham nhở giữa lòng hồ để làm đường; lập các lán trại cho công nhân cư trú; sản xuất các vật liệu phục vụ cho công việc xây dựng… Bên cạnh khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện hằng ngày, chúng tôi còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn như: thiếu thốn lương thực, thường xuyên đối diện với sốt rét, thú rừng hung dữ… Tuy nhiên, bằng tinh thần và nghị lực, tất cả mọi người đều hăng say lao động” - ông Đào Văn Tinh sôi nổi kể.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Ông Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ vào sáng 26/3/1976. Ảnh: Tư liệu.

Cùng với Công ty Xây lắp thủy lợi 3, Trung đoàn 375, Công ty Xây lắp thủy lợi 2 cũng là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ trước ngày khởi công chính thức. Ông Nguyễn Hoàng Trạch - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (1991 - 2000), nguyên Chủ nhiệm Công ty Xây dựng thủy lợi 2 (1975 - 1979) cho biết: “Nói đến đại thủy nông Kẻ Gỗ là nói đến ước mơ từ rất lâu của người dân Cẩm Xuyên nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Để đến được ngày khởi công xây dựng, khát vọng đó đã được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà nung nấu. Trong đó, cột mốc đáng nhớ là ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957). Lúc đó, Bác đã dặn dò: “Phải lục hồ sơ Kẻ Gỗ mà nghiên cứu trước đi, để khi có thời cơ là xây dựng”.

Thời cơ đến, đó là vào ngày 23/12/1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định 318/TTg, phê duyệt đề xuất nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Ngày 26/3/1976, sau 3 tháng sáp nhập tỉnh, Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ chính thức khởi công trong sự vui mừng và hào hứng lên đường của hàng vạn người dân Nghệ Tĩnh.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ ngày nay. Ảnh: Đình Nhất

“Khi đồng chí Trương Kiện - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đọc lời tuyên bố chính thức khởi công xây hồ Kẻ Gỗ, hàng vạn người trên công trường đã hò reo, tôi cùng anh em trong đơn vị mình vỡ òa xúc động. Bởi, nhiệm vụ tiền trạm của chúng tôi đã góp phần thành công cho ngày chính thức xây dựng công trình thủy lợi mà lúc bấy giờ người dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TX Hà Tĩnh đã mơ ước suốt bao năm qua” - ông Đào Văn Tinh nhớ lại.

Hồ Kẻ Gỗ - mối duyên tình Nghệ - Tĩnh thiết tha

Nhắc đến công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ là nhắc đến “mối tình” thiết tha của Nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Đã 45 năm trôi qua nhưng người Hà Tĩnh vẫn chưa bao giờ quên những đóng góp của hàng vạn đồng bào từ miền núi Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ đến miền xuôi Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số đã đổ mồ hôi trên công trường Kẻ Gỗ. Có thể nói, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, sự đoàn kết của Nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau khi sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (tháng 1/1976) đã tạo ra sức mạnh làm nên công trình thủy nông lớn nhất đất nước thời bấy giờ.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

“Không khí thi đua sôi nổi, chúng tôi đã đi bộ hàng trăm cây số vào Cẩm Xuyên xây hồ Kẻ Gỗ”- bà Nguyễn Thị Hoán, nguyên Bí thư Chi đoàn xóm Mặc Tảo, xã Diễn Lâm (Diễn Châu, Nghệ An), năm 1976-1979 kể.

Tôi may mắn khi gặp lại cựu Bí thư Chi đoàn xóm Mặc Tảo, xã Diễn Lâm (Diễn Châu, Nghệ An) những năm 1975 - 1979. Đó là bà Nguyễn Thị Hoán, hiện sống ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Bà Hoán kể: “Năm 1976, đất nước đã thống nhất, Nghệ An - Hà Tĩnh về chung “một nhà”, người dân chúng tôi thêm phấn khởi và hào hứng. Khi được huy động đi xây hồ Kẻ Gỗ, tâm trạng chúng tôi rất háo hức. Một không khí thi đua sôi nổi diễn ra. Hàng đoàn lực lượng thanh niên nối nhau, rộn ràng vác theo cuốc, xẻng, gánh gạo, mắm muối đi bộ hàng trăm cây số để vào Cẩm Xuyên đắp đập, xây hồ”.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoán và ông Trần Duy Lộ ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Cũng nhờ đi xây hồ Kẻ Gỗ, sau này (năm 1979), bà gặp chồng mình là ông Trần Duy Lộ, người Cẩm Bình lúc đó đang là bộ đội đóng quân ở huyện Yên Thành. Chuyện tình của cô thanh niên Nghệ An đi xây hồ Kẻ Gỗ và anh bộ đội xứ Cẩm đã có kết quả viên mãn, khi ông Lộ và bà Hoán có với nhau 4 đứa con, đến nay đều thành đạt.

Ông Nguyễn Hoàng Trạch cho biết thêm: “Chỉ sau 1 năm xây dựng, Kẻ Gỗ đã bắt đầu tích nước, sau 3 năm, công trình đã cơ bản hoàn thành, vượt kế hoạch ban đầu là 6 năm. Đại thủy nông Kẻ Gỗ là một công trình tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ đầy khốc liệt. Trong đó, ngoài Nhân dân Hà Tĩnh, thì sự đóng góp của Nhân dân Nghệ An và cán bộ, công nhân từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước có vai trò vô cùng quan trọng”.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Những dòng kênh mang nước từ hồ Kẻ Gỗ về phục vụ sản xuất. Ảnh: Đình Nhất

Chia tay những người đi xây hồ Kẻ Gỗ, tôi về trên con đường nhựa thẳng tắp xuyên qua những xóm làng khang trang và những cánh đồng lúa ngát xanh xứ Cẩm.

Hà Tĩnh đã vào thu, tôi nhận ra những dòng mương, nước như xanh hơn vẫn đang xuôi về bao miền quê trù phú. Đồng lúa thì con gái như đang thầm thì kể chuyện nhắc nhớ một thời xứ sở này “đồng khô, cỏ cháy” để mãi tri ân bao thế hệ tiền nhân đã dệt nên cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Gặp lại những người “xây hồ, đắp đập” đại thủy nông Kẻ Gỗ

Cánh đồng lúa hè thu ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ được khởi công và hoàn thành cơ bản trong vòng 3 năm (1976 - 1979). Hồ có lưu vực rộng 223 km2, dung tích đạt 345 triệu m3 nước. Quy mô bao gồm một đập chính, 3 đập phụ dài 3.215m; 1 cống dưới đập với tháp đóng mở được thiết kế hiện đại đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến, có cánh cửa cổng rộng 15m nằm sâu dưới chân đập; 1 tràn xả lũ, 2 cửa cánh cung, tiêu năng với hình thức máng phun có lưu lượng thiết kế 1.080 m3/s; 1 trạm thủy điện sau đập; 3 tổ máy công suất 2.100 kW và một hệ thống kênh mương hàng trăm km trải dài trên 3 huyện, thành phố, cùng với 3.168 công trình phụ trợ khác.

Quá trình xây dựng, ngoài 2 công ty cơ giới của Trung ương điều đến, công trình đã huy động hàng vạn lượt người dân là thành viên các lực lượng đoàn thể địa phương thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh cũ, chủ yếu lao động thủ công, đào đắp 10 triệu m3 đất, gần 90.000 m3 bê tông các loại, 1.800 tấn sắt thép, 96.000 m3 đá xây lát…

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.