Gia hạn nộp thuế - tiếp nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Chính sách gia hạn thời gian nộp thuế của Chính phủ đã được nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh tiếp cận, trở thành trợ lực quan trọng để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh còn những khó khăn nhất định.

Gia hạn nộp thuế - tiếp nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh

Được gia hạn nộp thuế, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải có thêm nguồn tài chính để duy trì, mở rộng sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngày 14/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thuế, tiền thuê đất, trong đó quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất năm 2023. Nghị định có hiệu lực từ ngày ký đến hết 31/12/2023.

Nghị định quy định gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I/2023; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023.

Nghị định 12/2023/NĐ-CP cũng gia hạn 3 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2023; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.

Hấp thu chính sách gia hạn thời gian nộp thuế của Chính phủ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà) vừa được gia hạn gần 5 tỷ đồng tiền thuê đất và thuế GTGT. Anh Nguyễn Bá Trường - Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong khi lãi suất ngân hàng đang ở mức cao nên việc huy động vốn của công ty khá chật vật. Chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP có ý nghĩa rất lớn, giúp công ty có thêm nguồn tài chính để duy trì, mở rộng sản xuất - kinh doanh”.

Gia hạn nộp thuế - tiếp nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực gia công cơ khí nằm trong nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP. (Ảnh: Huy Tùng)

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (TX Hồng Lĩnh) mới đây cũng được Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ gia hạn thời gian nộp thuế GTGT với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng trong thời gian 6 tháng. Thay vì phải nộp thuế theo tháng như trước, nay doanh nghiệp được lùi thời gian nộp thuế đến hết tháng 9/2023. Nhờ vậy, công ty linh hoạt sử dụng vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Theo cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh, 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19. Khi sản phẩm ra thị trường khó khăn, nguồn tiền quay vòng chậm, thanh khoản chật vật thì các nhóm giải pháp gia hạn thuế chính là "liều thuốc trợ lực” từ Nhà nước cho doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 347 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh với tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn là gần 48,1 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 38,5 tỷ đồng, thuế TNDN khoảng 5,927 tỷ đồng, tiền thuê đất 3,6 tỷ đồng, thuế TNCN 0,05 tỷ đồng.

Gia hạn nộp thuế - tiếp nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Xuân Thường - Trưởng phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Để được gia hạn thời gian nộp thuế, doanh nghiệp, cá nhân cần gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng hoặc theo quý. Trường hợp giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9 năm nay. Hiện nay, ngành thuế đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn tỉnh tiếp cận Nghị định 12/2023/NĐ-CP nhiều hơn".

Bên cạnh tuyên truyền, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cũng phân công cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ gia hạn thuế, cách thức nộp hồ sơ gia hạn trên website và zalo của ngành thuế theo quy định. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị, Cục Thuế tỉnh, các chi cục thuế khu vực chủ động phân loại, lập danh sách theo các nhóm để rà soát, kiểm tra; bảo đảm 100% doanh nghiệp và người nộp thuế trong diện được thụ hưởng tiếp cận được Nghị định 12/2023/NĐ-CP.

Nghị định 12/2023/NĐ-CP quy định 4 nhóm đối tượng được gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất như sau:

1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải.

2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.

3. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

4. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.