Sau khi phân cấp các công trình cấp nước tập trung, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý vận hành 3 công trình, gồm các nhà máy nước: Bắc Cẩm Xuyên, Thạch Bằng, Thiên Lộc. Đây là những công trình có công suất hoạt động trên 1.000 m3/ngày đêm, công suất hoạt động lớn nhất, quy mô rộng nhất và trang thiết bị máy móc hiện đại nhất.
Dù khai thác hết công suất nhưng nguồn thu từ giá nước Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên vẫn thấp.
Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên được đầu tư xây dựng từ năm 2010, với tổng số vốn 27 tỷ đồng, do ADB tài trợ. Nhà máy có công suất 2.700 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho trên 3.400 hộ dân thuộc 3 xã: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh. Cuối năm 2014, dự án tiếp tục được chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư để đấu nối đường nước về các hộ và nhánh rẽ với mức đầu tư lên đến 30 tỷ đồng.
Với việc phân cấp quản lý sau đầu tư hợp lý của UBND tỉnh thì việc vận hành trở nên hiệu quả hơn. Hiện, công trình này đã đáp ứng phục vụ trên 90% so với thiết kế. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Nhà máy Nước Thạch Bằng là lời giải cho bài toán nước sạch vùng bãi ngang ven biển. Chúng tôi còn nhớ rõ hình ảnh người dân Thạch Kim, Thạch Bằng vui sướng đón nguồn nước sạch về tận nhà, không còn phải vượt biển sang bên kia núi Nam Giới để lấy nước ngọt. Đến nay đã có trên 3.200 hộ dân dùng nước từ công trình này. Mặt khác, lượng nước sử dụng trung bình của mỗi hộ dân từ các công trình này không phải là nhỏ, đạt khoảng 10 m3/tháng/hộ.
Công trình được đầu tư hiện đại với hệ thống xử lý ưu việt nhất, thu hút đông đảo người dân sử dụng. Tuy nhiên, tiền nước trung tâm thu về mỗi tháng từ dịch vụ kinh doanh nước sạch chỉ tính bằng chục triệu đồng. Ông Hồ Đình Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Giá nước sinh hoạt nông thôn đang thực hiện theo Quyết định 2848/QĐ-UBND ngày 12/9/2013 của UBND tỉnh.
Theo đó, mức thu đối với hộ gia đình, cơ quan hành chính, sản xuất vật chất từ 3.500-8.200 đồng/m3 theo bậc thang; đối với kinh doanh dịch vụ thì khung giá tối đa là 16.200 đồng/m3. Có điều, gần như nhu cầu sử dụng ở khu vực nông thôn, nhất là đối với hộ gia đình thì chỉ thường ở bậc 1 (dưới 10 m3/tháng). Do vậy, thu không đủ bù giá thành sản xuất nước”.
Công trình lớn còn vất vả, việc điều hành, quản lý ở các công trình cấp nước thuộc xã còn khó khăn gấp nhiều lần. Công trình cấp nước xã Yên Hồ (Đức Thọ) là một ví dụ. Hiện tại, công trình cấp nước cho 1.200 hộ dân. Tuy thiết kế đạt 700 m3/ngày đêm nhưng công trình này chỉ có thể đáp ứng khoảng một nửa công suất. Ngoài yếu tố khách quan về quy trình xử lý thì việc vận hành gặp khó khăn khi hạ tầng các bể lắng lọc bắt đầu lạc hậu so với nhu cầu sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc HTX Môi trường Yên Hồ cho hay: “Trung bình mỗi hộ dân sử dụng khoảng 7-8 m3/tháng, hiện tại, HTX đang thu chung một mức giá 4.000 đồng/m3. Nói thật ra dịch vụ phục vụ công ích là chính chứ nguồn thu thì hụt lắm”.
Thu không đủ bù chi, hạng mục quan trọng nhất đối với công trình cấp nước là duy tu, bảo dưỡng đành phải “bấu víu” vào ngân sách địa phương. “Việc sửa chữa, duy tu, HTX phải trình xin xã, tuy nhiên, cũng rất khó khăn vì ngân sách hạn hẹp. Hiện tại, chúng tôi đã sử dụng đồng hồ nước được gần 10 năm (quá nửa số thời gian quy định) nhưng vì nguồn lớn quá nên đành chịu. Chính điều này làm cho việc thất thoát nước càng cao” - ông Hoan cho biết thêm.
Ở công trình cấp nước Khánh Lộc (Can Lộc) vì không thể bù lại nổi giá thành, HTX trình xin HĐND xã nâng dần dần từ 3.500 đồng lên 4.400 đồng/m3. Và, mới đây, công trình này áp mức giá mới 5.000 đồng/m3. “Bất cập là quy hoạch nông thôn mới có sau công trình cấp nước, để làm đường giao thông, rất nhiều đường ống bị vỡ, hư hỏng phải sửa chữa ngay, trong khi kinh phí vận hành đã khó nói gì đến các hạng mục sửa chữa lớn”.
So với mức giá thu tiền nước sinh hoạt ở đô thị thì giá khởi điểm cho 10 chỉ số đầu tiên đã là 6.238 đồng/m3, gần gấp đôi khu vực nông thôn. Mức giá bậc thang này còn cao nữa và vượt xa khu vực khó khăn hơn nhiều lần trong khi nhu cầu sử dụng của cư dân vùng đô thị cũng cao hơn. Được biết, nhiều lần ngành chuyên môn đã có kiến nghị với Sở Tài chính “gỡ khó” cho giá nước nông thôn bằng việc bù giá. Tuy nhiên, đến nay, sở chỉ mới hướng dẫn xây dựng giá mới để trình UBND tỉnh. Mục tiêu năm 2017, Hà Tĩnh có 96% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, khoảng 45% được sử dụng nước sạch đạt QCVN:02/BYT là điều không dễ…