Chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp
Nhiều năm trước đây, một số tập đoàn lớn khi có ý định đầu tư tại Hà Tĩnh đã nêu vấn đề: Hà Tĩnh có thể cung cấp được lực lượng kỹ sư, lao động kỹ thuật lành nghề để quản lý các thiết bị và các dây chuyền sản xuất không? Đã có không ít cơ hội làm ăn hợp tác bị “tuột khỏi tầm tay” chỉ vì chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu của họ.
Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức, nơi đào tạo những công nhân có chất lượng cao. |
Hiện nay, Hà Tĩnh đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển cao và là “điểm sáng” ở khu vực Bắc Trung bộ với KKT Vũng Áng, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trong đó đáng kể là siêu dự án FDI của Tập đoàn FORMOSA, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng. Với những gì đang diễn ra, KKT Vũng Áng hiện là “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Dự kiến, KKT Vũng Áng sẽ tạo việc làm cho trên 60 ngàn lao động và thu ngân sách tại KKT đạt 2.500 tỷ đồng vào năm 2015. Đến tháng 11/2013, KKT Vũng Áng có trên 80 DN trong nước và quốc tế được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký lên đến 16 tỷ USD. Trong đó có 44 dự án trong nước và 35 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng số lao động đang làm việc tại KKT Vũng Áng trên 18 ngàn người, trong đó có 1.100 lao động ngoài nước.
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, số lao động có tay nghề cao của Hà Tĩnh đáp ứng đủ điều kiện để làm việc tại các công trình của FORMOSA, nhiệt điện Vũng Áng... rất ít. Chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp là những nguyên nhân khiến lao động Hà Tĩnh thua ngay trên “sân nhà”. Ông Jeon Hyeong Dal - Giám đốc điều hành Công ty Xây dựng công nghiệp Leekang, thầu phụ cho POSCO E&C Việt Nam đang thi công xưởng cán thép tại FORMOSA cho biết: “Khi tuyển dụng công nhân cho các vị trí kỹ thuật, phần lớn lao động Hà Tĩnh không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ phía công ty. Có lúc họ không dám chịu trách nhiệm và đưa ra quyết định hay tiếng nói của mình. Hầu như lao động địa phương chỉ đáp ứng được các công việc phụ. Những vị trí này thường có mức lương khá thấp”. Theo đại diện của FORMOSA, DN này thường xuyên thông báo tuyển lao động nhưng không thể tuyển đủ nhu cầu và hầu như phải đào tạo lại. Thực tế cho thấy, có một số ngành nghề đòi hỏi có lao động kỹ thuật cao như lọc hóa dầu, nhiệt điện, công nghiệp nặng…, song nguồn nhân lực tại chỗ rất hạn chế, chất lượng chưa đáp ứng được.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách đào tạo, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng, nhưng xem ra bài toán này vẫn còn nan giải. Lực lượng lao động của Hà Tĩnh khá dồi dào nhưng KKT Vũng Áng lại thiếu bởi chất lượng lao động không thể đáp ứng cho thấy công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực, nghiệp vụ của lực lượng lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển của KKT Vũng Áng.
Giải pháp nào cho chiến lược mới?
Là một trong những tỉnh đang trên đà phát triển theo hướng CNH-HĐH, Hà Tĩnh xác định đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Chính vì vậy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh thường xuyên quan tâm. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực và xem đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Vài năm lại đây, Hà Tĩnh đã chọn lọc đào tạo những ngành nghề sản xuất công nghiệp có “hàm lượng công nghệ chất xám cao”. Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên của một số trường đại học, cao đẳng đã được đầu tư, thể hiện sự quyết tâm cao độ của toàn tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh đã chủ động đào tạo một lực lượng lớn nhân lực nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của các DN”.
Các cơ sở dạy nghề không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy. |
Đặc biệt, trước thách thức về cung ứng lao động chất lượng cao, Hà Tĩnh đã thông qua đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2009–2015; phê duyệt đề án dạy nghề và chuyển đổi nghề cho lao động vùng bị ảnh hưởng dự án khu liên hợp thép và cảng biển Sơn Dương. Đề án cũng đưa ra giải pháp gắn kết công tác dạy nghề với GQVL cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các cơ sở dạy nghề thực hiện dạy nghề theo đơn đặt hàng...
Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể với 50% lao động trong tỉnh qua đào tạo nghề vào năm 2015; 250 nghìn lao động được bố trí, sử dụng hợp lý. Khi xây dựng đề án này, các nhà hoạch định chính sách tỉnh ta cũng tập trung nhấn mạnh vào việc nâng cao nhận thức về đào tạo, sử dụng lao động kỹ thuật; tăng cường năng lực, mở rộng quy mô chất lượng đào tạo (50 cơ sở dạy nghề vào năm 2015); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị (151,5 tỷ đồng vào năm 2015) và các giải pháp về cơ chế, chính sách đào tạo nghề.
Hà Tĩnh hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề và 34 cơ sở dạy nghề. Với sứ mệnh đào tạo nhân lực phục vụ tỉnh nhà, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ và các trường nghề trong tỉnh đang tập trung mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt, tập trung đào tạo các ngành, nghề đang có nhu cầu cao như xây dựng, công nghệ thông tin, hóa dầu – hóa chất, ngoại ngữ, cơ khí hàn, gò, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật lái máy công trình…
Không những vậy, các trường học còn chủ động liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, đại học trong nước, vì vậy, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Mới đây, Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức và Trung cấp nghề Hà Tĩnh phối hợp với FORMOSA đào tạo một số lượng lớn sinh viên cho DN này. Số này ngoài được đào tạo tay nghề theo yêu cầu còn được trang bị thêm ngoại ngữ và một số kỹ năng trong công việc mà phía FORMOSA đưa ra.
Lao động được coi là nguồn lực quan trọng, quý báu nhất và có vai trò quyết định sự thành công của quá trình CNH-HĐH tỉnh nhà. Vậy nên, chúng ta cần tập trung tối đa mọi nguồn lực, đào tạo bài bản, thay đổi tư duy, lề lối làm việc để cung ứng được một lực lượng lớn lao động đủ tài, đủ lực, đưa Hà Tĩnh trở thành một tỉnh có nền công nghiệp vững mạnh, góp phần XĐGN cho người dân.