“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,05% là kết quả phản ánh sự phát triển tích cực của kinh tế - xã hội Hà Tĩnh năm 2023. Trong đó, khu vực xây dựng – công nghiệp vẫn là trụ cột cho sự tăng trưởng với mức đóng góp gần 60%.

Nhờ đâu tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh chỉ đạt 5,02%, hết quý III đạt 7,68% và đến hết năm 2023, con số này đã đạt 8,05%, hoàn thành mục tiêu đề ra (chỉ tiêu GRDP năm 2023 là tăng trên 8%). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Hà Tĩnh xếp thứ 15 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: Trong tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2023; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%, đóng góp 4,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,4%, đóng góp 59,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 27,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,7%, đóng góp 8,4%.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Đánh giá về các động lực chính, ông Nguyễn Trung Thành nhận định: Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I hoạt động trở lại; dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II xây dựng đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; Nhà máy sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động; công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam và các dự án lớn được đẩy nhanh; hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi và phát triển... là những hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam được đẩy nhanh góp phần tăng trưởng cho giá trị ngành xây dựng.

Trong khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm, song tăng trưởng của ngành vẫn đạt khoảng 10% và đóng góp chính cho tăng trưởng GRDP. Cụ thể, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,2%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,9%, đóng góp 1,03 điểm phần trăm; công nghiệp khai khoáng tăng 5,5%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Hoạt động xây dựng diễn ra sôi động với các công trình, dự án lớn được tập trung thi công, đảm bảo tiến độ; nhờ đó, ngành xây dựng tăng 16,6%, đóng góp 1,67 điểm phần trăm trong tổng giá trị tăng thêm toàn tỉnh.

Hoạt động thương mại - dịch vụ năm 2023 ổn định trở lại và duy trì đà tăng tưởng cao, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 59.776 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2022 và tổng mức bán buôn đạt hơn 49.547 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,2%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP.

Ông Trương Doãn Đức – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2023, hoạt động kinh doanh xăng dầu có nhiều chuyển biến tích cực, doanh thu công ty đạt hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 160% kế hoạch đề ra. Đây cũng là năm sản lượng xăng dầu bán ra đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 216.000 m3 . Để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và thực hiện nghị định của Chính phủ, công ty cũng đã tập trung ứng dụng số hóa vào bán hàng, đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, triển khai việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng”.

Phân tích của Cục Thống kê cho thấy, trong hoạt động dịch vụ, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 7,6% so với năm trước, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 13,9%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Sản xuất nông nghiệp năm 2023 được mùa toàn diện, sản lượng và giá đạt cao.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp đà tăng trưởng, là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Dù chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu kinh tế, song những kết quả tích cực trên lĩnh vực này cũng đã góp phần vào tăng trưởng chung. Trong cơ cấu ngành, ngành nông nghiệp tăng 2,33%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh; ngành lâm nghiệp tăng 5,31% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Những dư địa tăng trưởng năm 2024

Năm 2024, Hà Tĩnh xây dựng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%. Trong khi đó, tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động, diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Khó khăn nhiều, song Hà Tĩnh cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, là động lực để kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng đề ra.

“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 8,05% của Hà Tĩnh

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đặt kế hoạch sản lượng điện năm 2024 đạt khoảng 6,4 tỷ kWh.

Phân tích những dư địa, điểm sáng của Hà Tĩnh trong năm 2024, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Thanh Bình cho biết: ngành công nghiệp – ngành đóng góp lớn cho GRDP sẽ có nhiều yếu tố tích cực. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến sản lượng điện năm 2024 đạt khoảng 6,4 tỷ kWh; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh dự kiến năm 2024 sản lượng thép đạt 5,1 triệu tấn, phôi thép 5,8 triệu tấn và sản lượng điện sản xuất khoảng 4 tỷ kWh, nếu vận hành đúng kế hoạch sẽ đóng góp cao cho mức tăng trưởng chung.

Ngoài ra, các nhà máy sản xuất pin, bia, sợi... duy trì ổn định sản xuất sẽ đóng góp cao vào tăng trưởng. Các công trình có khối lượng xây dựng lớn như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường vành đai phía Đông, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II...; thương mại - dịch vụ duy trì mức tăng trưởng ổn định cũng sẽ đóng góp rất lớn vào GRDP.

Trên cơ sở các động lực tăng trưởng được xác định, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2024 là: tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp...

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.