Sáng 31/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị trực tuyến “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống TABMIS là 56.700 tỷ đồng, trong đó: Dự toán giao cho các bộ, ngành Trung ương là 18.216 tỷ đồng; dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng.
Về giải ngân kế hoạch vốn 2020, đối với nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, tính đến hết ngày 27/8/2020 cả nước đã giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng, đạt 21,9% so với dự toán được giao.
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp là do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)…
Tại Hà Tĩnh, tổng kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được giao là gần 1.246 tỷ đồng, trong đó vốn 2020 là gần 993 tỷ đồng, vốn chuyển tiếp từ 2019 là gần 253 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân đến ngày 28/8 đạt 558 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch. Hầu hết các chủ đầu tư cam kết thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao đến hết năm 2020. Hà Tĩnh đang tiến hành rà soát tiến độ giải ngân của các dự án. Trên cơ sở kết quả rà soát và cam kết của các chủ đầu tư, địa phương sẽ quyết định điều chuyển vốn (đối với kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền của tỉnh) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân để ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đầy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh. |
Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ, có tổng mức đầu tư trên 459 tỷ đồng đang gấp rút thi công (ảnh: Hiền Lương).
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương, đơn vị cần có rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm của từng dự án để xem xét, điều chỉnh dự toán cho phù hợp. Trường hợp điều chỉnh tổng mức dự toán của tỉnh, thành phố phải có báo cáo với Trung ương để xem xét; trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giữa các dự án trong phạm vi tỉnh, thành phố thì các địa phương chủ động thực hiện; riêng các dự án có liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải xin ý kiến của Bộ KH&ĐT để có điều chỉnh phù hợp.
Với những dự án có khả năng hoàn thành giải ngân, phải chỉ đạo sớm giải quyết vướng mắc trong GPMB, đấu thầu… để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần sớm phối hợp hoàn tất thủ tục cho vay lại với Bộ Tài chính.
Thứ trưởng cũng lưu ý, với những địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, phải có rà soát, xác định rõ khó khăn để có giải pháp tốt hơn.
Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, mặc dù tổng quan Hà Tĩnh vẫn đạt tỷ lệ giải ngân khá (44%), song tỷ lệ này không đồng đều giữa các dự án, trong đó, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Do vậy, các đơn vị, địa phương cần tiếp thu, bám sát ý kiến chỉ đạo của Trung ương tại hội nghị, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nước ngoài cũng như vốn đầu tư nói chung. Đồng thời lưu ý, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân cần chú trọng đảm bảo chất lượng các công trình, dự án.
Đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh nghe ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tham mưu kế hoạch cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án. Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; đôn đốc nhà đầu tư hạch toán ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi kịp thời, đầy đủ.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung cao, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đặc biệt, chủ đầu tư các dự án phải chủ động, có các giải pháp phối hợp giải phóng mặt bằng, tư vấn, thi công, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng bộ đảm bảo hoàn thành giải ngân theo kế hoạch. Đồng thời, chủ động đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn dự kiến không giải ngân hết kế hoạch.