Gian nan công tác truyền thông dân số ở vùng miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở khu vực miền núi Hà Tĩnh đang gặp không ít thách thức do khó khăn về địa hình, đội ngũ cộng tác viên liên tục bị xáo động...

Là địa bàn vùng biên, có địa hình cách trở… nên công tác truyền thông dân số ở xã Hương Lâm (Hương Khê) còn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở trên địa bàn đang ở mức cao: 28,26%.

Người dân xã Hương Lâm tham gia chương trình chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản. (Ảnh: Văn Định).

Chị Đinh Thị Sáu - cán bộ phụ trách dân số (Trạm Y tế xã Hương Lâm) cho biết: “Là một trong những xã có diện tích lớn nhất huyện Hương Khê, địa bàn bị chia cắt bởi núi rừng, người dân sinh sống không tập trung nên công tác tuyên truyền vận động tại các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, giao thông thường bị chia cắt. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền trên loa phát thanh của xã cũng chưa đạt hiệu quả, do hệ thống loa không thể phủ khắp các địa bàn. Ngoài ra, việc tuyên truyền qua mạng xã hội cũng chưa thực sự được chú trọng...”.

Ngoài xã Hương Lâm, nhiều xã miền núi khác của huyện Hương Khê, như: Hương Liên, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hải Hòa… công tác truyền thông dân số cũng gặp không ít thách thức.

Ông Trần Văn Định - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Hương Khê) cho biết: “Dù đã rất nỗ lực thực hiện công tác truyền thông dân số song các chỉ tiêu vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện Hương Khê còn cao: 26,4%. Việc triển khai các chiến dịch chăm sóc sức khỏe định kỳ hằng năm chưa thực sự thu hút được nhiều người dân quan tâm thực hiện”.

Công tác truyền thông dân số ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) đang còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài Hương Khê, tại các huyện miền núi: Vũ Quang, Hương Sơn, công tác truyền thông dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi hoặc phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ như: chi hội trưởng chi hội phụ nữ, y tá thôn... đã tạo ra nhiều thách thức cho công tác dân số.

Chị Đỗ Thị Bích Ngọc - cán bộ phụ trách dân số (Trạm Y tế xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) cho biết: “Địa phương hiện có 9 thôn với 9 cộng tác viên dân số, phần lớn là kiêm nhiệm. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, chế độ phụ cấp, hỗ trợ còn thấp nên một số cộng tác viên dân số không mặn mà với công việc. Vì vậy, việc đội ngũ này thay đổi thường xuyên đã gây khó khăn trong quá trình hoạt động. Công tác đào tạo và đào tạo lại chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ năng tư vấn, giáo dục, vận động, lập kế hoạch, giám sát…”.

Được biết, hiện toàn huyện Hương Sơn có 241 thôn, tổ dân phố với 241 cộng tác viên dân số. Đội ngũ nhân viên y tế thôn kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình được đào tạo nhưng không bền vững, thường thay thế, chưa nhiệt tình trong công tác. Điều này ảnh hưởng rất lớn trong công tác dân số, thu thập thông tin, biến động dân số hằng tháng tại các thôn, tổ dân phố. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, tại huyện Hương Sơn, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 31,6% (tỉ lệ toàn tỉnh là 32,56%). Còn tại huyện Vũ Quang, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,97%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 38,36%; tỷ suất sinh thô là 7,75%o.

Tại các địa phương miền núi, công tác truyền thông dân số hiện nay đang tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm thích đáng tới đối tượng vị thành niên, thanh niên, nam giới... Điều này đã tạo ra những khoảng trống thông tin, gây khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu dân số. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách, kinh phí đầu tư cho công tác dân số theo Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu về truyền thông nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới hiện nay.

Ngoài tuyên truyền trực tiếp, công tác truyền thông dân số cần phải đổi mới hình thức, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền.

Để công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của các địa phương miền núi hoạt động có hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính quyền các cấp; tiếp tục quán triệt các nội dung cơ bản của các chính sách dân số trong tình hình mới, thực sự coi công tác dân số là một nội dung cơ bản của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, công tác truyền thông cần được đổi mới toàn diện với việc sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin. Đội ngũ cán bộ cần được đầu tư nâng cao năng lực, cơ sở vật chất cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân…”.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục Dân số tỉnh)

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói