Sau 1 năm chờ đợi, ngày 17/2/2023 vừa qua, ông Hoàng Trung Sơn, trú tại thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) mới được kết nạp vào Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh. Ông Hoàng Trung Sơn cho biết: “Tôi mong muốn được kết nạp vào quỹ TDND để có cơ hội vay vốn đi xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, phải chờ đến Đại hội thành viên Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (tổ chức 1 năm/lần) nên dự định của tôi trong 1 năm qua cũng bị ảnh hưởng do không vay được vốn”.
Người dân đến giao dịch tại Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh.
Trên thực tế, không chỉ ông Hoàng Trung Sơn mà hàng trăm hộ dân của các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) cũng mong muốn được vay vốn phát triển kinh tế nhưng phải chờ đợi trong thời gian dài để được kết nạp vào quỹ TDND.
Ông Nguyễn Tiến Tâm - Giám đốc Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh cho hay: “Theo điểm đ, Khoản 2, Điều 80 của Luật Các tổ chức tín dụng, đại hội thành viên thảo luận và quyết định vấn đề: “Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ TDND theo đề nghị của hội đồng quản trị; quyết định khai trừ thành viên”.
Như vậy, muốn kết nạp thành viên mới phải thông qua đại hội thành viên. Tuy nhiên, đại hội thành viên chỉ tổ chức 1 năm/lần, như vậy thì việc thu hút thành viên gặp rất nhiều khó khăn. Người dân muốn được tham gia thành viên của quỹ TDND để nhận các ưu đãi trong việc vay vốn sản xuất, song, do khoảng thời gian chờ quá dài đã gây cản trở cho sự phát triển thành viên.
Đồng thời, Luật Hợp tác xã năm 2012 không quy định cụ thể về việc tư cách thành viên chỉ được xác lập sau đại hội thành viên thông qua danh sách kết nạp thành viên mới. Theo đó, quỹ TDND kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung vấn đề này thành: Hội đồng quản trị được quyền thẩm định và quyết định việc kết nạp thành viên mới (hội đồng quản trị được tổ chức họp 1 tháng 1 lần - PV)".
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Tâm, Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh hiện có trên 2.300 thành viên thuộc địa bàn 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh. Mỗi năm có tới hàng trăm người dân trên các địa bàn mong muốn vào quỹ TDND nhưng phải chờ đến kỳ đại hội thành viên mới thực hiện được. Điều đó đã tác động xấu đến việc huy động vốn, phát triển dư nợ của đơn vị.
Thời gian qua, nguồn vốn huy động của Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh cầm chừng với 121 tỷ đồng và dư nợ 139 tỷ đồng. Ngày 17/2/2023 vừa qua, quỹ tiến hành đại hội thành viên, kết nạp gần 100 thành viên mới và kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn trong phát triển nguồn vốn lẫn dư nợ.
Theo quy định hiện nay, quỹ TDND muốn kết nạp thành viên phải thông qua đại hội thành viên.
Không chỉ Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh mà việc quy định kết nạp thành viên mới phải thông qua đại hội thành viên cũng gây khó khăn cho 31 quỹ TDND còn lại trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND liên xã Cương Gián (Nghi Xuân), nguồn vốn huy động của đơn vị hiện đạt gần 290 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng với gần 4.400 thành viên thuộc 3 xã (Cương Gián, Xuân Liên và Cổ Đạm). Thực tế cho thấy, khi người dân có nhu cầu vay vốn thì mới đăng ký làm thành viên của quỹ TDND. Việc phải chờ đến đại hội thành viên mới đủ tư cách là thành viên để vay vốn đã làm trễ việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Bởi vậy, không ít người dân có xu hướng từ chối vay vốn tại quỹ TDND để tìm kiếm một kênh vay vốn khác thuận lợi hơn về thời gian.
Ngoài ra, đối với người dân có nhu cầu gửi tiền, việc vận động họ tham gia làm thành viên của quỹ TDND trong bối cảnh hiện nay vốn đã rất khó khăn, đến khi vận động được lại phải chờ tới đại hội thành viên thì lại càng khó khăn hơn nhiều.
Việc phải chờ đến đại hội thành viên mới đủ tư cách để vay vốn đã làm trễ việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Theo quy định hiện nay, quỹ TDND không được cho vay các thành viên mới khi chưa được đại hội thành viên thông qua. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng kết nạp thành viên tại các quỹ TDND, hướng các quỹ này hoạt động đúng sứ mệnh và mục tiêu của mình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quy định này đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, gây khó khăn nhất định cho hệ thống quỹ TDND (nhất là các quỹ TDND mới thành lập) trong việc cho vay thành viên mới.
Như vậy, việc thực hiện kết nạp thành viên mới theo quy định hiện nay trong một số trường hợp có thể tạo ra độ trễ nhất định, gây khó khăn cho hoạt động của quỹ TDND, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng.
Hà Tĩnh hiện có 32 quỹ TDND hoạt động, kịp thời cung cấp nguồn vốn giúp đỡ các thành viên trong việc gửi tiền, vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Xuất phát từ những bất cập trong quá trình triển khai, các quỹ TDND trên địa bàn Hà Tĩnh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có sự khảo sát, đánh giá việc yêu cầu kết nạp thành viên mới phải thông qua đại hội thành viên. Trường hợp nhận thấy các quy định này không thật sự tác động lớn vào việc nâng cao chất lượng thành viên, trong khi làm tăng chi phí và độ trễ hoạt động phát triển thành viên, ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ TDND thì cần điều chỉnh theo hướng trao quyền cho hội đồng quản trị chủ động kết nạp thành viên trong kế hoạch tăng thêm hằng năm đã được đại hội thường niên thông qua.