Trong tham luận gửi đến Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, Bộ Y tế nêu nhiều giải pháp phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập. Bên cạnh đề xuất tăng phụ cấp tối đa, nhân viên y tế tham gia chống Covid-19 cũng được nhận phụ cấp thường trực và trực tiếp.
Ngành Y sẽ đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của cán bộ, viên chức y tế; mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, để cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp được yêu cầu tạo dựng môi trường thân thiện, minh bạch, xây dựng văn hóa công sở để nhân viên y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và đơn vị công tác.
Bộ Y tế sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc. Các nguồn lực xã hội được huy động để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, động viên họ yên tâm phục vụ lâu dài trong ngành. Những bệnh viện có điều kiện sẽ tăng cường xã hội hóa để tăng thu nhập cho nhân viên, nhất là viên chức trình độ chuyên môn cao.
Đồng thời, nguồn nhân lực từ các địa phương như y tế tư nhân, người nghỉ hưu, tình nguyện viên, sinh viên ngành y... sẽ được huy động để hỗ trợ, giảm áp lực cho cán bộ y tế tại nơi xảy ra dịch bệnh.
Các bác sỹ khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang cắm ống thở cho một bệnh nhân Covid-19 mới nhập viện, tháng 12/2021. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam hiện có gần 500.000 cán bộ y tế, đạt bình quân 9 bác sỹ trên 10.000 dân. Tuy nhiên, thị trường lao động y tế đang mất cân đối, bất hợp lý theo vùng, miền, lĩnh vực. Bác sỹ chủ yếu tập trung từ tuyến huyện, nhất là tuyến trên, khu vực đồng bằng, tập trung dân cư đông. Năng lực cán bộ y tế tuyến xã yếu. Nhiều trạm y tế có trang thiết bị nhưng cán bộ y tế không biết sử dụng. “Đây là vấn đề Nhà nước cần ưu tiên giải quyết những năm tới”, Bộ Y tế nêu.
Nhiều khu vực thiếu nhân lực y tế như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, nhất là lĩnh vực pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần... “Lý do của sự thiếu hụt này là do thu nhập thấp, không đủ thu hút cán bộ y tế. Đây là vấn đề đáng lo ngại”, báo cáo nêu.
Hiện nhân lực y tế đang có làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ cơ sở công lập sang tư nhân, đặc biệt sau hai năm phòng chống Covid-19. Từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, toàn quốc có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có hơn 3.000 bác sỹ, 2.800 điều dưỡng... Những địa phương có tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc cao là TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng. Ở cơ quan Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 có 19 công chức nghỉ việc.
Nhiều nguyên nhân được Bộ Y tế nêu ra, trước tiên là dịch bệnh bùng phát, nhân viên y tế phải làm việc cường độ cao trong thời gian dài, hầu như không có ngày nghỉ. Họ cũng phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Điều này tác động đến tâm lý, động lực làm việc của họ. Cạnh đó, lương và chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong bệnh viện công thấp do nguồn kinh phí hoạt động của yếu là ngân sách đảm bảo.
Theo quy định, bác sỹ sau khi học 6 năm, thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu được tuyển dụng vào bệnh viện công, họ sẽ nhận lương gần 3,5 triệu đồng/tháng, với phụ cấp ưu đãi nghề 40%, tổng thu nhập 4,8 triệu đồng mỗi tháng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Trong khi đó, lương bệnh viện tư cao hơn 3-4 lần, thậm chí 5-6 lần.