Sáng 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Quảng điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Quảng điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Đề án Quy hoạch điện VIII rất quan trọng của quốc gia.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh VGP/Đức Tuân
Do đó, đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung bàn thảo, phân tích cũng như nêu những ý kiến trách nhiệm, từ đó bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề án Quy hoạch điện VIII để ban hành, sớm triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.
Đề án quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-ND/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức hai cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ và tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung đề án; lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam, 15 bộ và cơ quan ngang bộ, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố. Ảnh chụp màn hình.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, phạm vi ranh giới quy hoạch điện VIII là phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Quy hoạch điện VIII tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước; định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch.
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt 130.371 - 143.839 MW; dự báo đến năm 2045, tổng công suất của nguồn điện đạt từ 261.951 - 329.610 MW.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn và nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII là rất quan trọng trong phát triển KT - XH địa phương, đặc biệt là cung cấp nguồn điện cho các dự án lớn đầu tư vào địa bàn.
Các đại biểu cho rằng phát huy khai thác tiềm năng các nguồn điện khí, điện gió; cân đối nguồn điện ở các vùng, miền và đề xuất, kiến nghị bổ sung, cập nhật các dự án nguồn và lưới điện mới phát sinh trên địa bàn vào Quy hoạch điện VIII.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trên địa bàn Hà Tĩnh đang triển khai nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, do đó nhu cầu về sử dụng điện và hạ tầng về điện là rất lớn và cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh tham gia ý kiến tại hội nghị.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII. Theo đó, tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá tổng thể các quy hoạch, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đã có nhiều văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương để điều chỉnh, bổ sung các dự án nguồn điện, lưới điện vào quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án trọng điểm vẫn chưa được đưa vào Quy hoạch điện VIII, do đó, Hà Tĩnh tiếp tục đề xuất 3 nội dung liên quan đến nguồn điện, lưới điện.
Thứ nhất, đề xuất chuyển đổi Trung tâm Điện lực Vũng Áng - Hà Tĩnh công suất 2.400 MW từ sử dụng nhiên liệu đốt than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng và nâng tổng công suất lên 4.500MW.
Thứ hai là về điện gió, Hà Tĩnh có dải bờ biển dài, được đánh giá có tiềm năng gió tốt, hệ thống đường dây đấu nối và giải tỏa công suất thuận lợi, do vậy đề nghị bổ sung, cập nhật 8 dự án điện gió tỉnh đã trình bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Thứ ba là về lưới điện, đề xuất bổ sung danh mục công trình cấp điện cho Khu công nghiệp quy mô 1.200 ha (thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng) của Tập đoàn Vingroup đầu tư.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 6 nhà máy điện, gồm: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Formosa, Thủy điện Hương Sơn, Thủy điện Hố Hô, Thủy điện Kẻ Gỗ, Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa và Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hưng. Hệ thống lưới điện gồm: lưới điện 500kV, lưới điện 200kV, lưới điện 110kV, lưới điện trung áp và hạ áp. Về cơ bản, lưới điện trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần vào việc truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng hệ thống nguồn điện và lưới điện chưa đáp ứng tiến độ đề ra theo nội dung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |
Trong chiều nay, các địa phương sẽ tiếp tục tham gia ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và nêu các đề xuất kiến nghị. Các bộ, ngành cũng sẽ trao đổi về những đề xuất của các địa phương.