Nhu cầu dùng nước trong giai đoạn tỉa dặm và bón thúc kỳ đầu tiên của các vùng tưới trên toàn tỉnh đang tăng cao.
Hà Tĩnh đang diễn ra đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng nước trên đồng ruộng và các công trình thủy lợi bốc hơi nhanh. Trong khi đó, nhu cầu dùng nước trong giai đoạn tỉa dặm và bón thúc kỳ đầu tiên của lúa tăng cao nên đòi hỏi công tác điều tiết nước phù hợp, đảm bảo cho lúa hè thu sinh trưởng, đẻ nhánh tốt.
Theo ông Nam, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh luôn ưu tiên tưới vùng xa, cao trước; vùng thấp, gần sau; tổ chức ép nước về các xã cuối kênh để đảm bảo sản xuất. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chia sẻ nguồn nước, thường xuyên thu vớt rác, bèo, tạo dòng chảy thông thoáng để bơm tối đa nước tưới về ruộng.
Đang tiến hành tỉa dặm cho 2 sào lúa của gia đình, chị Trần Thị Mai (thôn Mới, xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Hiện nay, nước từ các trạm bơm tại xã đã chảy về đến chân ruộng nên chúng tôi tập trung ra đồng để tỉa dặm và chuẩn bị bón thúc. Nguồn nước năm nay khá dồi dào nên bà con cũng không phải “căng” như các năm trước, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Một số diện tích ở vùng cao chúng tôi sẽ huy động máy bơm dã chiến để “tiếp” đủ nước cho các diện tích”.
Trên 5.500 ha lúa vụ hè thu của huyện Thạch Hà đã bước vào thời kỳ đẻ nhánh, cần duy trì mực nước từ 2 - 3cm ở ruộng để phát triển.
Để thuận lợi cho nông dân tỉa dặm và bón thúc đợt 1, huyện Thạch Hà cũng đã chủ động sớm phương án chống hạn, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh điều tiết nước kịp thời phục vụ bơm tưới.
Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho hay: “Trên 5.500 ha lúa vụ hè thu của huyện đã bước vào thời kỳ đẻ nhánh, cần duy trì mực nước từ 2 - 3 cm ở ruộng để phát triển nên nhu cầu nước đang tăng cao. Nguồn nước phục vụ tưới chủ yếu là hệ thống kênh tưới từ hồ Kẻ Gỗ và 21 hồ đập lớn nhỏ. Huyện chia ra các vùng lớn để điều tiết nguồn nước hợp lý, thuận lợi đến từng chân ruộng. Nông dân cũng đang tập trung ra đồng để nước về tới đâu, lấy nước tới đó, phục vụ tốt nhất quá trình đẻ nhánh, bón thúc của lúa hè thu”.
Nguồn nước hồ Kẻ Gỗ năm nay khá dồi dào, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nước của các địa phương. Ảnh Đình Nhất
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, tình hình nguồn nước tưới ở các hồ đập trên địa bàn khá dồi dào. Nguyên nhân là do lượng mưa những tháng đầu năm cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15%. Theo đó, để kịp thời ứng phó với quá trình bốc hơi nhanh do nắng nóng kéo dài trong đợt này và kịp thời phục vụ nhu cầu tưới dưỡng lúa hè thu, công ty đã tăng lưu lượng tưới lớn nhất trên tất cả các công trình.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Trần Đức Thịnh cho biết: "Hiện nay, các hồ đập trên địa bàn đang đồng loạt mở nước với lưu lượng lớn nhất để phục vụ người dân bước vào kỳ chăm sóc đầu tiên lúa hè thu. So với nhiều năm, nguồn nước tại các hồ, đập năm nay khá dồi dào, hệ thống thủy lợi cơ bản cấp đủ nước tưới cho đủ diện tích sản xuất lúa hè thu theo cơ cấu của UBND tỉnh (trên 45.400 ha).
Cụ thể, vào sáng ngày 23/6, mực nước tại một số công trình lớn như hồ Kẻ Gỗ đạt 28,10m, dung tích đạt hơn 227 triệu m3 (đạt 65,9% dung tích thiết kế); hồ Ngàn Trươi có mực nước đạt 37,74m, dung tích đạt hơn 298 triệu m3 (đạt 39% dung tích thiết kế); mực nước hồ Sông Rác là 22,08m, dung tích đạt hơn 107 triệu m3 (đạt 86,3% dung tích thiết kế)…
Các địa phương cần chủ động để đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho vụ hè thu năm nay.
Các hồ đập nhỏ trên địa bàn cũng có mực nước tương đối cao, đạt từ 80 - 100% dung tích thiết kế như: hồ Kim Sơn (96,9% thiết kế); hồ Vực Trống (99,3% thiết kế); hồ Đá Cát (86,3% thiết kế), hồ Khe Xai (87,9% thiết kế)…”.
“Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết còn diễn biến thất thường, các địa phương cần thực hiện thường xuyên việc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm; ra quân làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy; có kế hoạch đắp bờ giữ nước tại các chân ruộng và tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết chống hạn; chuẩn bị phương án lắp đặt máy bơm dã chiến khi cần thiết; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi quan trọng…” - ông Thịnh cho biết thêm.