Đoàn Giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh.
Sáng 14/9, Đoàn Giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Hà Tĩnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc cùng đoàn. |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội.
Hà Tĩnh hiện có hơn 83.000 người đi đào tạo, học tập, công tác, sinh sống và lao động ở nước ngoài. Cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài luôn chấp hành pháp luật nước sở tại, hướng về xây dựng quê hương đất nước.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Ngô Thị Hoài Nam báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Phần lớn người Hà Tĩnh ở nước ngoài có cuộc sống ổn định và hòa nhập tốt với môi trường nước sở tại, có đóng góp đối với mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam nói chung, giữa các địa phương nơi bà con sinh sống với tỉnh nói riêng. Đây cũng là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh, thu hút đầu tư, văn hóa, du lịch ra nước ngoài, kết nối doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong tỉnh.
Các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được phát huy, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước.
Thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã vận động các kiều bào đầu tư về quê hương 9 dự án, với tổng mức đầu tư 2.901 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Thời gian qua, từ việc ban hành văn bản liên quan cũng như chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cho thấy tỉnh thực sự quan tâm tới cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài.
Bên cạnh các dự án đầu tư, hằng năm, Hà Tĩnh còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với các hoạt động xây dựng quê hương và các hoạt động thiện nguyện.
Từ năm 2018 đến tháng 8/2022, Hà Tĩnh có 40.186 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động xuất khẩu lao động góp phần quan trọng việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Mạnh Khoa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Hà Tĩnh cần tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người dân trước khi ra nước ngoài công tác, học tập kinh nghiệm tuyệt đối chấp hành pháp luật Việt Nam và các quy định liên quan, pháp luật nước sở tại.
Lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào Hà Tĩnh ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc ổn định, nâng cao đời sống, thu nhập các gia đình, hỗ trợ chính quyền các cấp xây dựng quê hương, đặc biệt là các hoạt động thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin tới Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội một số nội dung liên quan tới công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, quy định pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh cũng nêu một số khó khăn về công tác quản lý lao động sau khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc đối với địa phương còn khó khăn; việc theo dõi, quản lý, kết nối thị trường lao động đối với người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước tại địa phương còn hạn chế; người lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước tiếp nhận còn cao; tình hình công dân di cư trái phép và lao động bất hợp pháp tại các nước và bị trục xuất có chiều hướng gia tăng; việc bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam tại nước ngoài gặp không ít khó khăn...
Các thành viên Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã yêu cầu làm rõ một số nội dung liên quan về việc triển khai thực hiện, cụ thể hóa chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực quốc tịch, bảo hộ công dân, cư trú, đi lại cho người Việt Nam ở nước ngoài; vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ lao động ở nước ngoài lớn. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm định hướng lao động vào nhóm thị trường có tay nghề, kỹ thuật cao để nâng cao thu nhập và khi trở về địa phương có thể làm việc trong các doanh nghiệp trên đia bàn, đồng thời ngăn chặn làn sóng lao động bất hợp pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan tới việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn và sẽ có báo cáo hoàn chỉnh gửi Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do đó, đề nghị tỉnh tăng cường tuyên truyền về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, thông qua đợt giám sát lần này, Đoàn sẽ tham mưu Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách pháo luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ngay sau buổi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tới thăm Công ty CP Phát triển công nghiệp xây lắp và thương mại Hà Tĩnh - một trong những đơn vị có uy tín trong hoạt động đưa công dân sang các nước làm việc.
Trong 10 năm qua, đơn vị này đã đưa được gần 4.800 người lao động Hà Tĩnh sang làm việc tại các nước, trong đó chủ yếu là thị trường Nhật Bản. 8 tháng năm 2022, doanh nghiệp này đưa 241 lao động sang Nhật Bản làm việc.