Hà Tĩnh không để bệnh truyền nhiễm bùng phát diện rộng

(Baohatinh.vn) - Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp với diễn biến thực tế, ngành Y tế Hà Tĩnh đã kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm, không để bùng phát trên diện rộng.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, kiểm soát thì nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ... lại diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là nhiệm vụ được ngành Y tế Hà Tĩnh tập trung quyết liệt.

Hà Tĩnh không để bệnh truyền nhiễm bùng phát diện rộng

Cán bộ y tế phun diệt khuẩn phòng dịch sốt xuất huyết.

Là địa phương thường xuyên xuất hiện các ca bệnh và ổ dịch sốt xuất huyết nên công tác giám sát dịch được Trạm Y tế xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) hết sức chú trọng. 100% các ổ dịch khi phát hiện đều được bao vây và xử lý kịp thời, không để dịch lớn xảy ra.

Y sỹ Trần Hải Đường - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hộ Độ cho biết: “Mỗi khi phát hiện có ca bệnh truyền nhiễm, nhất là sốt xuất huyết, trạm nhanh chóng thực hiện khoanh vùng và báo cáo lên tuyến trên. Đơn vị cũng thành lập tổ, đội cấp cứu phòng, chống dịch xuống địa bàn, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, dịch truyền đáp ứng yêu cầu phòng, chống khi có dịch xảy ra”.

Hà Tĩnh không để bệnh truyền nhiễm bùng phát diện rộng

Môi trường sống tại nhiều khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.

Đối với huyện Cẩm Xuyên, một số xã vùng hạ du Kẻ Gỗ thường xuyên xảy ra lũ lụt, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, đau mắt đỏ... nên công tác phòng, chống dịch bệnh được địa phương hết sức chú trọng. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và triển khai tới toàn bộ các trạm y tế xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn.

Bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Để phòng, chống hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, đơn vị tập trung cao việc hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế. Duy trì tốt công tác giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh tại tất cả các tuyến qua hệ thống phần mềm giám sát các bệnh truyền nhiễm. Nhờ mạng lưới giám sát hoạt động hiệu quả nên phát hiện sớm được những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc mới để quản lý, theo dõi, điều trị và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống”.

Hà Tĩnh không để bệnh truyền nhiễm bùng phát diện rộng

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh giám sát vét-tơ truyền bệnh sốt xuất huyện tại xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn).

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 136 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 ca mắc tại địa phương, 107 ca xâm nhập từ các tỉnh khác. Có 12/13 huyện/thị xã/thành phố ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Nhờ triển khai kịp thời công tác khoanh vùng, dập dịch khi phát hiện ca bệnh đầu tiên nên đến nay, toàn tỉnh mới chỉ xuất hiện 1 ổ dịch với 2 bệnh nhân tại xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn), chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 4 ca sốt rét ngoại lai, 61 ca mắc tay chân miệng, hơn 25.000 ca đau mắt đỏ cùng một số dịch bệnh khác nhưng số lượng rải rác, không có trường hợp nặng do dịch bệnh.

Theo cảnh báo của ngành y tế, mặc dù Hà Tĩnh đang kiểm soát, khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh, tuy nhiên, thời gian tới dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, quai bị, sởi... luôn tiềm tàng. Để công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn đạt hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đơn vị đang tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống giám sát tại các tuyến, phát hiện sớm trường hợp mắc mới, ổ dịch mới trong cộng đồng. Thực hiện khoanh vùng ổ dịch và kịp thời triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch.

Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh. Kiện toàn và củng cố đội phản ứng nhanh tại các tuyến; chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc, hoá chất chuẩn bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, duy trì lối sống lành mạnh... Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.