Hà Tĩnh tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI

Chỉ số PCI Hà Tĩnh được đánh giá là khá trong những năm gần đây. Tuy nhiên, con số mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp cũng cho thấy, còn nhiều chỉ số của Hà Tĩnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất cao

Các khảo sát cho thấy, môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh đã có những chuyển biến rõ rệt trong 5 năm nghiên cứu. Rõ nét là, sau 3 năm liên tục từ 2006 – 2008, Hà Tĩnh nằm trong nhóm thấp và tương đối thấp thì sang năm 2009 và 2010 Hà Tĩnh đã chuyển sang nhóm khá. Điểm số thứ hạng của PCI cũng có dấu hiệu tăng đều trong các năm từ mức 42,35 điểm năm 2006 (ở vị trí 59/64) lên mức 57,22 điểm vào năm 2010 (vị trí 37/63). Trong khi các tỉnh, thành đang có dấu hiệu giảm điểm PCI thì Hà Tĩnh vẫn duy trì được mức tăng điểm qua các năm.

Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của Hà Tĩnh được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển doanh nghiệp

Chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của Hà Tĩnh được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển doanh nghiệp

Nếu so sánh chỉ số PCI với các tỉnh lân cận, thì Hà Tĩnh có 5/9 chỉ số thành phần cao hơn Nghệ An. Đáng nói là các chỉ số quan trọng như tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chỉ số tiếp cận đất đai…

6/9 chỉ số thành phần PCI của Hà Tĩnh nằm trong nhóm cơ hội. Đây là nhóm thành phần mà Hà Tĩnh đang thực hiện ở mức khá nhưng bền vững và đang có những bước cải thiện về thứ hạng. Và nhóm chỉ số này sẽ còn nhiều thay đổi tích cực nếu Hà Tĩnh tiếp tục duy trì các chính sách ưu việt.

VCCI đánh giá cao chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của Hà Tĩnh. Chỉ số này đang đứng ở vị trí 20/63, tăng 17 bậc so với năm 2006. Trong khu vực, Hà Tĩnh là tỉnh có mức điểm chỉ số thành phần khá cao (6,66/10 điểm), thậm chí cao hơn Đà Nẵng. Doanh nghiệp Hà Tĩnh năm 2010 cũng đánh giá lãnh đạo chính quyền năng động và sáng tạo hơn. Trong một khảo sát của VCCI, khi có một điểm chưa rõ trong quy định TW thì có đến 40.9% lãnh đạo tỉnh có xu hướng giải quyết bằng cách ban hành các văn bản cấp tỉnh để hướng dẫn các điểm chưa rõ ràng.

VCCI cũng đánh giá cao mức điểm về tính minh bạch và tiếp cận của Hà Tĩnh. Năm 2010, Hà Tĩnh tăng 35 bậc xếp hạng so với cả nước. Thực hiện phép so sánh với các tỉnh lân cận, Hà Tĩnh chỉ đứng sau Đà Nẵng về chỉ số này, và số điểm chênh lệch không đáng kể.

Thủ tục hành chính - 1 trong 3 khó khăn hàng đầu đối với các doanh nghiệp

Trong cuộc hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khi phân tích về kết quả PCI của Hà Tĩnh năm 2010, những điểm yếu và mạnh, bà Nguyễn Ngọc Lan, chuyên viên VCCI cho rằng, có đến 74.07 % doanh nghiệp Hà Tĩnh, cần có mối quan hệ để tiếp cận tài liệu của tỉnh.

Bà Lan cho rằng, càng ít minh bạch, chi phí không chính thức càng cao. Khảo sát cho thấy, 59.04% doanh nghiệp Hà Tĩnh phải chi trả chi phí không chính thức. Có 16,67% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, 53.95% doanh nghiệp cho rằng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.

Tổng kho xăng xầu Vũng Áng, một trong những doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện trong đầu tư vào Hà Tĩnh

Tổng kho xăng xầu Vũng Áng, một trong những doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện trong đầu tư vào Hà Tĩnh

Nếu đánh giá trong các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, Hà Tĩnh chỉ đứng thứ 7/12, với điểm số tương đối cách xa so với thành phố Đà Nẵng. 8/9 điểm thành phần thấp hơn Đà Nẵng, đáng chú ý là chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước.

Cũng theo bà Lan, gánh nặng thủ tục hành chính vẫn là 1 trong 3 khó khăn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Hà Tĩnh. Theo khảo sát của VCCI, nhóm thủ tục phiền hà nhất là thuế. Số giờ trung bình làm việc với thanh tra thuế là 5 giờ; 44.59% doanh nghiệp vẫn phải thương lượng với cán bộ thuế trong kinh doanh. Doanh nghiệp Hà Tĩnh cũng cho rằng, nhóm thứ hai là khó khăn về mặt bằng kinh doanh là thủ tục hành chính thuê mua đất đai phức tạp. Ngoài ra, thủ tục đăng ký kinh doanh cũng nằm trong nhóm thủ tục phiền hà với trên 30% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi đăng ký kinh doanh.

VCCI và các tham luận tại hội thảo cũng đánh giá chất lượng đào tạo dạy nghề trong tỉnh còn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ 34,48% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tốt về chất lượng nguồn lao động.

Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở KH&ĐT thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, thiếu sót trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Một bộ phận cán bộ còn thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp các ngành còn chưa tốt.

Trước những đánh giá của VCCI, Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cũng đưa ra một loạt các giải pháp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường như tập trung giải phóng mặt bằng; giải quyết nhanh các thủ tục giao đất, thu hồi đất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tập trung đẩy mạnh công khai minh bạch thông tin cho doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ công…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đặt ra cho Hà Tĩnh mục tiêu lọt vào nhóm 20 về chỉ số PCI cao nhất, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành bằng các biện pháp giảm thời gian và giảm chi phí không minh bạch.

Ông Cự cho rằng, cần phát huy vai trò tính năng động sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo trong việc quản lý, điều hành kinh tế; phấn đấu duy trì và nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp theo mô hình một cửa liên thông...

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) từ năm 2005.

Đây là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện nhất cả nước. PCI được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh. Nghiên cứu PCI cũng xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng cấp tỉnh, vốn được coi là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng.

PCI không nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học đơn thuần hay để biểu dương những tỉnh xếp hạng cao hoặc phê bình những tỉnh xếp hạng thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI cố gắng cung cấp những thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, giúp họ xác định được lĩnh vực và cách thức cải cách điều hành kinh tế hiệu quả nhất.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025