Sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải (GTVT). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Điểm cầu Hà Tĩnh.
Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, Bộ GTVT chủ động nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết nhiều vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm.
Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án tiếp tục được triển khai quyết liệt; tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành cơ bản được đảm bảo, chất lượng được chú trọng. Năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, hoàn thành 20 dự án (trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km).
Công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đáp ứng yêu cầu, là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công vượt nhiều so với kế hoạch xây dựng, lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 94.161 tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022). Đến hết tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.
Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa đều tăng so với năm 2022. Công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Hà Tĩnh được đánh giá đạt kết quả cao trong công tác giải phóng mặt bằng và xử lý các nội dung liên quan đến đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh.
Năm 2023, ngành GTVT Hà Tĩnh nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác cải cách hành chính, tổ chức được chú trọng triển khai; công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả. Tỉnh Hà Tĩnh được Bộ GTVT đánh giá đạt kết quả cao trong công tác giải phóng mặt bằng và xử lý các nội dung liên quan đến đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh. Về giải phóng mặt bằng (thuộc trách nhiệm của địa phương), đến nay thực hiện công tác kiểm đếm đạt 100%, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,52%, bàn giao mặt bằng đạt 98,22%; hoàn thành xây dựng 15/30 khu tái định cư; đang tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật... |
Năm 2024, Bộ GTVT bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương châm hành động theo từng năm của Chính phủ, tập trung đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Theo đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án bảo đảm tiến độ và chất lượng theo chương trình công tác của Chính phủ và của Bộ GTVT năm 2024; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành GTVT đã đạt được trong năm qua, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại của ngành như: công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác song các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ; việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế...
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, lấy đổi mới, sáng tạo, khoa học - công nghệ làm động lực, nguồn lực và là yếu tố dẫn dắt trong xây dựng, khảo sát, thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm; đảm bảo tiến độ, chất lượng của các công trình và chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai.
Ngành GTVT cũng cần nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, kịp thời giải quyết các vướng mắc được dư luận quan tâm; tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, hoàn thiện thể chế; giữ vững kỷ luật - kỷ cương, phân cấp - phân quyền cho các cấp; giảm thiểu thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng đó, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong xã hội; hài hòa lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp - Nhà nước, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng cho người dân và doanh nghiệp theo hiến pháp, pháp luật.