Hà Tĩnh viết tiếp sứ mệnh đổi mới trên đường Trường Sơn huyền thoại

(Baohatinh.vn) - Sau 65 năm, đường Trường Sơn qua Hà Tĩnh đang mang sứ mệnh lịch sử mới là kết nối giao thương, tạo đà phát triển cho quê hương, đất nước.

Con đường huyền thoại

Cách đây 65 năm, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn để chi viện chiến trường miền Nam cho đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559). Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đường Trường Sơn chủ yếu đi qua địa phận huyện Hương Khê (và một phần huyện Đức Thọ, Can Lộc) với nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt của địch như Khe Giao, Địa Lợi, Lộc Yên, Khe Ác, La Khê…

Đặc biệt, phà Địa Lợi khi đó được đánh giá là trọng điểm của trọng điểm. Trên mỗi tọa độ lửa đó đã xuất hiện biết bao tấm gương chiến đấu, hi sinh quả cảm của bộ đội, công nhân giao thông và Nhân dân địa phương, vì sự sống của con đường ra tiền tuyến.

6.jpg
Xe vận tải vượt cầu phao La Khê ra mặt trận (Ảnh tư liệu/TTXVN)

Năm 1966, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh tiền phương - Tổng cục Hậu cần. Chỉ huy sở đóng tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đã góp phần đưa đường Trường Sơn làm tròn sứ mệnh chuyển tải cơ sở vật chất, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của chiến trường miền Nam.

Trong cuốn sách hồi ký “Với cả cuộc đời”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại: “Tổng cục Hậu cần tiền phương có nhiệm vụ phụ trách bốn binh trạm vận tải từ nam sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh, tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội hành quân từ hậu phương miền Bắc vào, để giao cho Đoàn 559. Hương Đô nằm ở hữu ngạn sông Ngàn Sâu, vây bổ xung quanh là ba trọng điểm: Lộc Yên, Khe Ác, La Khê bị địch đánh phá ác liệt. Chỉ huy sở của chúng tôi đóng cách trọng điểm Khe Ác chừng hai cây số, nằm trong vòng lượn của máy bay địch mỗi khi chúng oanh kích, nên suốt ngày đêm nghe ùng oàng, chát chúa tiếng đạn, bom.

Chúng tôi chọn đặt sở chỉ huy ở Hương Đô là chủ động giành yếu tố bất ngờ, gần đường vận tải, thuận tiện liên lạc và được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình. Với vị thế "địa lợi", "nhân hòa", Hương Đô đã trở thành nơi đóng sở chỉ huy của ba bộ tư lệnh: Tổng cục Hậu cần tiền phương, Bộ Tư lệnh Đoàn 500 và Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Thật là một vị trí hiếm có trong chiến tranh”.

2.jpg
Nhà làm việc (phục dựng) và hầm trú ẩn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Riêng với trọng điểm Địa Lợi, do địch đánh rát, ảnh hưởng đến kế hoạch vận chuyển của binh trạm (trong tháng 7, 8/1966, đơn vị chỉ hoàn thành khoảng 50% kế hoạch vận chuyển). Từ đây đã xuất hiện sáng kiến táo bạo, kịp thời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Địa Lợi cũng trở thành bài học, lần lượt phổ biến ở các bến vượt khác trên đường Trường Sơn.

Theo lời kể của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: “Giải pháp trước hết là phải bỏ lối xưa nếp cũ, không chấp nhận thế độc đạo, phải chủ động mở thêm đường vòng, đường tránh, làm thêm từ hai đến ba bến vượt, có cự ly thích hợp; có bến nghi binh. Sông hẹp, nên làm cầu phao bằng tre, nứa... Cầu phao cũng có cầu chính, cầu phụ, cầu dự bị, nghi binh... Sau hơn chục ngày, Binh trạm 9 tập trung lực lượng thực thi giải pháp trên, tình hình đã cải thiện đáng kể. Bến vượt Địa Lợi từ chỗ tắc cả tuần, đã tiến tới xóa được tắc đêm, chỉ còn tắc giờ mà thôi. Tiếp đó, khi Quân khu 4 và Quân chủng Phòng không - Không quân tăng cường pháo 37mm, 57mm đánh máy bay địch, bảo vệ yếu địa, thì xóa luôn tắc giờ”.

1.jpg
Tọa độ lửa Khe Ác oai hùng trong chiến tranh và cầu Lộc Yên ngày nay đang mang sứ mệnh kết nối giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Có thể khẳng định, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là "khúc ruột" để nối tuyến vận tải giữa hậu phương miền Bắc với tuyến vận tải của các chiến trường, chiến dịch. Trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có viết: "Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta”.

Sứ mệnh mới

88.jpg
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hương Đô giới thiệu với thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng quê hương qua những kỷ vật của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Chiến tranh qua đi, cùng với cả nước, những người lính Trường Sơn và Nhân dân Hương Khê (Hà Tĩnh) bước vào thời kỳ đổi mới và xây dựng tương lai giàu có như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Bây giờ, trên những tọa độ lửa La Khê, Khe Ác, Địa Lợi…, và dọc tuyến đường Trường Sơn, những hố bom được thay thế bởi những vườn cam, bưởi xanh mướt, trĩu quả.

Xã Hương Đô - nơi đóng sở chỉ huy của 3 bộ tư lệnh đang bừng lên sức sống mới. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tuấn Anh phấn khởi chia sẻ, đường Trường Sơn là huyết mạch giao thông quan trọng của xã. Nhờ tuyến đường này, đặc sản cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch “bon bon” đến ga tàu, bến xe để đi khắp mọi miền Tổ quốc, giá trị nông sản cũng tăng lên đáng kể. Phát huy truyền thống cách mạng, từ một xã nghèo, quanh năm lụt lội, đến nay, chúng tôi đã gần chạm đích nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/người/năm.

4.jpg
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Di tích tại xã Hương Đô trở thành 1 trong 37 di tích thành phần của hệ thống di tích đường Trường Sơn.

Cung đường Trường Sơn đoạn qua xã Hương Trạch cũng nhộn nhịp xe cộ giao thương, hai bên tuyến đường đang ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Riêng tọa độ lửa La Khê - nơi từng hứng chịu hơn 2 nghìn quả bom - ngày nay đã có bóng dáng của một thị tứ thu nhỏ, nhà hàng, quán xá, cơ sở dịch vụ mọc lên san sát.

Trưởng thôn La Khê Nguyễn Văn Bằng chia sẻ, nhận thấy tuyến đường Hồ Chí Minh ngày càng nhộn nhịp, lợi thế gần với cửa khẩu Cha Lo, nhiều bà con trong thôn đã mạnh dạn phát triển dịch vụ và kéo theo sự phát triển của địa phương. Toàn thôn hiện có hơn 200 hộ dân, phần lớn các hộ có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. La Khê đang đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm.

5.jpg
Tọa độ lửa La Khê ngày nào đang ngày càng phát triển thương mại, dịch vụ nhờ lợi thế từ tuyến đường Trường Sơn.

Với huyện miền núi Hương Khê, đường Trường Sơn (quốc lộ 15A) và đường Hồ Chí Minh mới đã và đang trở thành “cú hích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có những tuyến đường kết nối Bắc – Nam này, người dân có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và đặc biệt là giao thương hàng hóa. Những ngày tháng lịch sử này, Nhân dân Hương Khê đang ra sức nỗ lực, phấn đấu để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đi trên đường Trường Sơn giữa núi đồi trùng điệp với bạt ngàn cây trái tốt tươi, nhà máy, xí nghiệp ngày một thêm nhiều, xe tải, xe khách nối đuôi nhau ngược xuôi nhộn nhịp là minh chứng cho thấy cuộc sống người dân càng ngày càng tươi đẹp hơn.

Chủ đề ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.