Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cảnh báo, từ ngày 1/3, các bác sỹ đình công từ chối trở lại làm việc theo luật định có thể bị đình chỉ giấy phép tối thiểu 3 tháng và đối mặt với các hành động pháp lý như điều tra, truy tố. Ông Park Min-soo cho biết, việc bị rút giấy phép hành nghề có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của bác sỹ. Thậm chí, những người bị coi là phát động đình công có thể bị bắt giữ vì tội hình sự.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min cũng cho hay, Chính phủ sẽ không buộc các bác sỹ phải chịu trách nhiệm về việc ra ngoài nếu họ quay lại làm việc trước ngày 29/2.
2/3 số lượng bác sỹ nội trú và bác sỹ thực tập trên toàn quốc đã đồng loạt nghỉ việc trong 10 ngày liên tiếp tính đến hôm nay, để phản đối việc Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người vào năm 2025, từ mức 3.058 sinh viên hiện tại.
Trong gói kế hoạch chính sách nhằm cải thiện dịch vụ y tế, Chính phủ Hàn Quốc cũng dự kiến mở rộng sự bảo vệ pháp lý chống lại các vụ kiện và truy tố vì lý do sơ suất. Chính sách mới cũng đồng thời khuyến khích các bác sỹ hành nghề trong những lĩnh vực thiết yếu như nhi khoa, phẫu thuật tổng quát và ở khu vực đang thiếu bác sỹ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các bác sỹ đình công cho rằng, kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo, tính đến ngày 28/2, tổng cộng 9.997 bác sỹ nội trú, chiếm 80,2% đội ngũ bác sỹ trẻ của nước này, đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó 9.076 người đã rời khỏi nơi làm việc.
Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Park Min-soo cho biết, tính đến ngày 28/2, chỉ có 294 trong số hơn 9.000 bác sỹ thực tập đình công trở lại làm việc. “Thật may mắn khi những bác sỹ thực tập quay trở lại bên cạnh bệnh nhân và tôi có thể nói rằng họ đã đưa ra quyết định sáng suốt”, ông Park Min-soo nói.
Làn sóng bỏ việc kéo theo tình trạng gián đoạn ở các bệnh viện tuyến đầu của Hàn Quốc. Nhiều bệnh viện lớn buộc phải cắt giảm một nửa hoạt động do thiếu nhân lực, từ chối một số bệnh nhân và hủy bỏ các ca phẫu thuật cũng như thủ tục y tế.