Hàng thập kỷ đối đầu giữa Israel và Hezbollah

Ngọn lửa xung đột âm ỉ suốt nhiều thập kỷ giữa Hezbollah và Israel đang bị thổi bùng, dẫn tới nguy cơ chiến tranh toàn diện.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 23/9 phát động cuộc không kích diện rộng nhằm vào hơn 1.600 mục tiêu của Hezbollah trên lãnh thổ Lebanon, khiến hơn 550 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.

Hezbollah cũng phóng hàng trăm rocket và máy bay không người lái vào các thành phố miền bắc Israel, có nơi cách biên giới 50 km, trong ngày 22-23/9. Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất và sâu nhất vào lãnh thổ Israel mà Hezbollah thực hiện trong gần một năm qua.

Đây là diễn biến leo thang nghiêm trọng, nguy cơ đẩy Trung Đông đến bờ vực chiến tranh toàn diện, bắt nguồn từ những xung đột từ hàng chục năm trước.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel vào Nabatiyeh, miền nam Lebanon, ngày 23/9. Ảnh: AP
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel vào Nabatiyeh, miền nam Lebanon, ngày 23/9. Ảnh: AP

Lebanon cùng Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq đã tuyên chiến với Israel ngay sau khi nước này thành lập tháng 5/1948. Lực lượng Israel đẩy lùi liên quân Arab và kiểm soát một phần miền nam Lebanon, trước khi ký hiệp định đình chiến ngày 23/3/1949. Quân đội Israel sau đó rút lui về biên giới được quốc tế công nhận.

Xung đột biên giới giữa hai nước tăng trở lại sau khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chuyển đến hoạt động tại Lebanon vào những năm 1960.

Năm 1978, Israel đưa quân vào miền nam Lebanon trong chiến dịch đáp trả cuộc tấn công của những người Palestine gần Tel Aviv. Israel kiểm soát một phần lãnh thổ miền nam Lebanon và ủng hộ lực lượng dân quân địa phương mang tên Quân đội Nam Lebanon (SLA).

Tháng 6/1982, nền móng của Hezbollah được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xây dựng với mục đích đối phó "Chiến dịch Hòa bình cho Galilee", hoạt động quân sự của Israel nhằm xóa sổ sự hiện diện của PLO tại Lebanon. Nhóm vũ trang Hezbollah khi đó tuyên bố cuộc đấu tranh "sẽ chỉ kết thúc khi Israel bị xóa sổ".

Dù nhóm lãnh đạo PLO rời Lebanon đến Tunisia vào cuối mùa hè năm 1982, Israel vẫn quyết định duy trì lực lượng ở Lebanon, kiểm soát một phần lớn lãnh thổ miền nam nước này cùng thủ đô Beirut để với mục đích "bảo đảm an ninh". Điều đó khiến Hezbollah trở thành kẻ thù chính của Israel.

"Sự ra đi của PLO khiến xung đột trở thành cuộc đối đầu giữa Hezbollah và Israel", May Maalouf, chuyên gia địa chính trị kiêm nhà nghiên cứu về xung đột Trung Đông, cho hay.

Lực lượng Israel gần thị trấn Marwahin, miền nam Lebanon, hồi tháng 9/2006. Ảnh: AFP
Lực lượng Israel gần thị trấn Marwahin, miền nam Lebanon, hồi tháng 9/2006. Ảnh: AFP

Từ năm 1985, đụng độ gia tăng ở miền nam Lebanon khi Hezbollah chính thức được thành lập. Hassan Nasrallah, người tiếp quản nhóm vũ trang sau khi thủ lĩnh Abbas al-Mosawi bị ám sát năm 1992, đã củng cố lực lượng và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào binh lính Israel cùng dân quân SLA.

Israel trả đũa bằng Chiến dịch Hạch tội năm 1993 và Chiến dịch Chùm nho phẫn nộ năm 1996, khiến hàng trăm người Lebanon thiệt mạng và khoảng 500.000 thường dân phải sơ tán trên khắp cả nước.

Ngày 5/5/2000, quân đội Israel rút khỏi miền nam Lebanon sau 22 năm kiểm soát khu vực. "Dư luận Israel quyết liệt yêu cầu rút quân khỏi miền nam Lebanon. Lựa chọn này được ủng hộ khi Tel Aviv chứng kiến nhiều thất bại về quân sự và nhân đạo", Maalouf nói.

Israel cũng thừa nhận thất bại trong nỗ lực can thiệp ở Lebanon, khiến Hezbollah ngày càng nâng cao vị thế. Thủ lĩnh Nasrallah tuyên bố ngày Israel rút quân là "chiến thắng lịch sử và đầu tiên kể từ khi xung đột Israel - Arab bắt đầu hơn 50 năm trước".

Giai đoạn sau đó tương đối yên bình, dù đôi khi vẫn có những cuộc tập kích lẻ tẻ. Hezbollah khẳng định vị thế trong nền chính trị Lebanon thông qua sự kiện lần đầu tham gia chính phủ năm 2005. Tuy nhiên, nhóm vũ trang không từ bỏ cuộc đối đầu với Israel với lý do Shebaa Farms, khu vực rộng 25 km2 cạnh Cao nguyên Golan, vẫn bị Tel Aviv kiểm soát.

Shebaa Farms là vùng đất tranh chấp nằm giữa biên giới Israel, Lebanon và Syria. Israel cho rằng nó là một phần cao nguyên Golan, trong khi Lebanon và Syria cho rằng khu vực này là lãnh thổ Lebanon. Liên Hợp Quốc khẳng định Shebaa Farms là một phần của Syria, hối thúc Damascus và Tel Aviv đàm phán để quyết định số phận vùng đất.

Vị trí Israel, Lebanon và khu vực biên giới hai nước. Đồ họa: BBC
Vị trí Israel, Lebanon và khu vực biên giới hai nước. Đồ họa: BBC

Tháng 7/2006, căng thẳng Israel - Hezbollah leo thang khi nhóm vũ trang Lebanon đột kích xuyên biên giới khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng và bắt cóc hai quân nhân làm con tin. Thủ lĩnh Nasrallah giải thích cuộc tấn công xuất phát từ mong muốn có quân bài mặc cả để yêu cầu Israel thả tù nhân người Palestine.

Israel lập tức mở chiến dịch trên không, trên bộ và trên biển vào miền nam Lebanon. Chỉ trong 33 ngày, giao tranh khiến khoảng 1.200 người chết và một triệu người phải di tản ở Lebanon. Israel cũng ghi nhận hơn 160 người chết và 500.000 người phải sơ tán vì giao tranh.

"Tâm lý của cả hai bên là muốn thể hiện sự hiện diện và sức mạnh của mình. Hezbollah muốn duy trì tầm ảnh hưởng vốn bị suy giảm từ năm 2000, trong khi Israel muốn chứng minh khả năng bảo vệ biên giới bằng cách tấn công miền nam Lebanon", Maalouf nói.

Thành viên Hezbollah trong đám tang ngày 19/9 dành cho nạn nhân vụ nổ thiết bị liên lạc ở Lebanon. Ảnh: AP
Thành viên Hezbollah trong đám tang ngày 19/9 dành cho nạn nhân vụ nổ thiết bị liên lạc ở Lebanon. Ảnh: AP

Trong nhiều năm sau đó, căng thẳng giữa Hezbollah và Israel chỉ giới hạn ở các cuộc giao tranh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sự kiện nhóm vũ trang Hamas tấn công lãnh thổ Israel, khiến Tel Aviv phát động chiến dịch đáp trả nhằm vào Dải Gaza tháng 10/2023, đã dẫn đến việc Hezbollah quyết định hành động quyết liệt để thể hiện sự ủng hộ người Palestine.

Nhóm vũ trang Lebanon phóng rocket vào Shebaa Farms và các khu vực miền bắc Israel. Quân đội Israel cũng nhanh chóng tập kích hàng loạt mục tiêu ở miền nam Lebanon để đáp trả. Giao tranh giữa hai bên ngày càng tăng nhiệt kể từ đó.

Với những diễn biến hiện nay, nhiều bên đã bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang. "Chúng ta gần như đang chứng kiến cuộc xung đột toàn diện. Nhiều cuộc không kích hơn, nhiều thiệt hại hơn, nhiều nạn nhân hơn", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bình luận.

Theo Reuters, Le Monde

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.