Đầu năm 2002, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1973) vào làm hộ lý tại Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu (hiện nay là Khoa hồi sức tích cực - Gây mê) Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, nay là Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh.
Chị Hạnh vẫn nhớ như in, ngày làm việc đầu tiên, đang ăn cơm tối thì nghe tin có bệnh nhân vừa mất. Vội có mặt ngay để làm nhiệm vụ, sau khi lau người, thay quần áo cho bệnh nhân vừa mất, chị vận chuyển thi hài bệnh nhân ra ngoài cho thân nhân.
Hộ lý Nguyễn Thị Hạnh luôn chủ động đi làm sớm để vệ sinh sạch sẽ các buồng bệnh.
“Lúc đó khi làm xong nhiệm vụ đã hơn 21 giờ nên tôi không dám về nhà một mình mà phải gọi người nhà lên đưa về. Suốt cả đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, cảm giác sợ hãi vẫn đeo bám tôi suốt một thời gian sau. Nhưng lâu dần làm nhiều rồi thành quen và mất luôn cảm giác sợ” - chị Hạnh chia sẻ.
Mỗi ngày, chị Hạnh đều đến Trung tâm Y tế trước giờ làm việc khoảng 1 tiếng đồng hồ để thực hiện các việc không tên như: vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp các buồng bệnh, buồng thủ thuật, buồng tắm, buồng vệ sinh, hành lang, cầu thang, buồng làm việc của khoa.
Chị sắp xếp chăn màn gọn gàng phục vụ người bệnh.
Trong giờ hành chính, chị lại phụ các y tá chăm sóc người bệnh, từ hỗ trợ thực hiện vệ sinh thân thể, vận chuyển người bệnh và phương tiện, thiết bị phục vụ người bệnh, đổi đồ vải của người bệnh, cọ rửa, tiệt khuẩn phòng bệnh.
Bận rộn với rất nhiều việc, thế nhưng khi thấy những bệnh nhân già cả, neo đơn không có người nhà đến điều trị, chị Hạnh đều hết lòng chăm sóc cho họ. Đặc biệt, hàng chục bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, éo le đã được chị Hạnh kêu gọi từ các nhà hảo tâm hỗ trợ các bữa ăn hàng ngày.
Trong 18 năm làm việc, chị luôn hết lòng chăm sóc người bệnh.
Hoàn cảnh neo đơn, mỗi năm phải vào viện điều trị 5- 6 lần, ông Phạm Ngọc Hoàng (81 tuổi, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ) đã được chị Hạnh chăm sóc tận tình như người nhà, ruột thịt.
“Ngày nào cũng như ngày nào, cô Hạnh đều đến từ sớm lau chùi, dọn dẹp buồng bệnh sạch sẽ và giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân. Cô đều mang cơm cháo vào cho tôi ăn và chăm sóc tận tình, tôi biết ơn cô ấy nhiều lắm” - ông Hoàng bộc bạch.
Chị Hạnh phụ giúp các điều dưỡng trong việc ghi chép sổ sách theo dõi bệnh nhân.
Chia sẻ về công việc của mình, hộ lý Nguyễn Thị Hạnh khẳng định: “Đối với bất kỳ gia đình nào việc phải vào bệnh viện điều trị là hết sức vất vả, người già neo đơn, người nghèo lại càng khó khăn hơn bội phần.
Vì vậy, nếu mình chia sẻ, hỗ trợ được cái gì, dù là nhỏ nhất cũng động viên, khích lệ họ rất lớn để chiến thắng bệnh tật. Niềm hạnh phúc lớn nhất của các nhân viên y tế như chúng tôi là được thấy người bệnh khỏe hơn qua từng ngày”.
Chị Hạnh là một trong những cá nhân được vinh danh tại hội nghị điển hình tiên tiến của ngành Y tế Hà Tĩnh giai đoan 2015-2020 (Ảnh tư liệu).
Với sự nỗ lực và tận tâm trong công việc, chị Hạnh được các đồng nghiệp khâm phục, yêu mến, được Sở Y tế và Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh tặng nhiều danh hiệu thi đua. Chị vừa vinh dự được nhận danh hiệu điển hình tiên tiến ngành Y tế Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020
Bác sỹ Nguyễn Sỹ Vương - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Gây mê, Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Khoa Hồi sức tích cực - Gây mê có đặc thù là bệnh nhân nặng, già, đông, vì thế, công việc của người hộ lý càng thêm vất vả, nhưng trong ngần ấy năm gắn bó với công việc, chị Hạnh chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn. Chị đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng bệnh nhân, là tấm gương cho đồng nghiệp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của Trung tâm Y tế thị xã".