Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

(Baohatinh.vn) - Trong 10 tháng năm 2020, Hà Tĩnh chỉ có gần 20/2.443 doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ).

Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khảo sát thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại mỏ đá thuộc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp VN 1 (TX Hồng Lĩnh).

Theo quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm việc nặng nhọc, độc hại, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần. NLĐ làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh khám sức khỏe định kỳ cho người lao động

Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh), từ đầu năm 2020 đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh chỉ có gần 20/2.443 doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho gần 8.000/70.000 NLĐ. Trong đó, phát hiện gần 200 trường hợp NLĐ mắc các bệnh thông thường và 1 NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp.

Cũng theo CDC Hà Tĩnh, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có quy mô lớn. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ, thậm chí cố tình trốn tránh thực hiện các quy định này.

Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

Cán bộ CDC Hà Tĩnh đo thính lực cho công nhân Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ doanh nghiệp, NLĐ chấp hành việc khám bệnh nghề nghiệp định kỳ là do các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp nên chưa quan tâm đến việc khám bệnh cho NLĐ”.

Bênh cạnh đó, theo tìm hiểu, để có việc làm, NLĐ chấp nhận làm việc trong điều kiện, môi trường làm việc chưa đảm bảo ATVSLĐ. Cùng với đó, nhận thức của NLĐ về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của môi trường làm việc còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, thiếu thông tin cũng là một nguyên nhân dẫn đến các vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), không sử dụng hoặc sử dụng không đúng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong những điều kiện làm việc cần phải bảo hộ.

Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

Nhiều lao động chưa quan tâm đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp.

Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế thì việc áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt lại chưa hợp lý nên gần như không có tác dụng răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Theo đó, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ nhưng NLĐ không muốn khám”.

Theo ông Đào Quang Hưng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị chưa xử phạt hành chính đơn vị, doanh nghiệp nào vi phạm không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp vi phạm nào bị xử phạt hành chính mà chỉ dừng lại ở hình thức khiển trách, nhắc nhở. Chính điều này khiến các doanh nghiệp “nhờn” luật và cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình.

Hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh thờ ơ với khám sức khỏe cho người lao động

Công ty Vinatex Hồng Lĩnh là đơn vị thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động

Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý y tế lao động tại các doanh nghiệp, Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh Nguyễn Chí Thanh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.