Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

(Baohatinh.vn) - Phát huy kết quả thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Chính phủ bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực này. Đặt trong bối cảnh phải chịu tác động xấu của đại dịch COVID-19 thì việc được tiếp cận nguồn vốn vay từ các lĩnh vực ưu tiên sẽ là nguồn lực để người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

Được tiếp cận vốn vay là nguồn lực giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19.

Với sứ mệnh đầu tư cho “tam nông”, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Hà Tĩnh II đã đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Tổng dư nợ hiện nay của ngân hàng là trên 10.660 tỷ đồng với 44.306 khách hàng đang dư nợ. Trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm 86% tổng dư nợ với 9.160 tỷ đồng, 35.888 khách hàng thụ hưởng. Đặc biệt, gói vay hỗ trợ dịch COVID-19 đang triển khai với lãi suất 4,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên đã góp phần gỡ khó về nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh”.

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II.

Là một hộ chuyên thu mua, phân phối mặt hàng thủy hải sản đi các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, cuối năm 2021, chị Trần Thị Bảo (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) được tiếp cận gói vay hỗ trợ dịch COVID-19 từ Agribank.

Chị Trần Thị Bảo cho hay: “Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, việc kinh doanh mặt hàng thủy hải sản khó khăn, nguồn thu vì thế cũng sụt giảm. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải bỏ tiếp vốn đầu tư để giữ được mối làm ăn lâu dài. Trong lúc cần vốn, tôi được Agribank Chi nhánh huyện Cẩm Xuyên (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) tiếp vốn 2,8 tỷ đồng để có thêm nguồn lực đầu tư kinh doanh”.

Thời gian qua, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Tĩnh cũng luôn chú trọng và đẩy mạnh cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Đơn vị tập trung cao cho lĩnh vực tín dụng doanh nghiệp với việc cho vay các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp có các phương án kinh doanh khả thi... với nhiều gói vay ưu đãi về lãi suất. Theo đó, dư nợ cho vay tại Vietcombank Hà Tĩnh đến thời điểm 31/1/2022 là 9.120 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp là 4.650 tỷ đồng”.

Tại Vietcombank Bắc Hà Tĩnh, tổng dư nợ hiện nay xấp xỉ 5.100 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu là thế mạnh của chi nhánh này.

Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) chuyên sản xuất, xuất khẩu bao bì là đối tác quen thuộc của Vietcombank Bắc Hà Tĩnh. Được biết, ngân hàng đã “rót” 40 tỷ đồng cho doanh nghiệp này vay đầu tư xây hạ tầng giai đoạn 1 trên diện tích 1,28 ha.

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

Vietcombank Bắc Hà Tĩnh đã đầu tư 40 tỷ đồng cho Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) xây dựng hạ tầng giai đoạn 1.

Ông Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh chia sẻ: “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khi giá cước vận tải đường biển tăng mạnh, chi phí sản xuất bị đẩy lên cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietcombank Bắc Hà Tĩnh đã chủ động giảm lãi suất với dư nợ cũ và tạo điều kiện cho vay mới để doanh nghiệp tăng vốn lưu động, tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất cũng như đảm bảo chế độ cho người lao động. Hiện nay, công ty đang làm thủ tục xin vay 20 tỷ đồng để triển khai xây dựng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất bao bì trên diện tích 1,37 ha”.

Ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Năm 2022 này, đơn vị tiếp tục bám sát định hướng của cấp trên để triển khai tốt việc cho vay theo các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đơn vị theo dõi sát sao tình hình phát triển của các doanh nghiệp hiện hữu, nhất là các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp FDI có nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động xuất khẩu nhằm đem lại nguồn thu ngoại tệ. Năm 2022, Vietcombank Bắc Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng dư nợ khoảng 1.000 tỷ đồng”.

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cường “rót vốn” vào các lĩnh vực được ưu tiên

Các ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài Agribank, Vietcombank, các tổ chức tín dụng trên địa bàn như: BIDV, Vietinbank, Sacombank, Bắc Á Bank, HDBank… cũng chú trọng cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện theo nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện chủ trương của cấp trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tổng dư nợ toàn địa bàn hiện đạt 74.387 tỷ đồng, trong đó dư nợ các lĩnh vực ưu tiên chiếm 43,3%.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động, chỉ tiêu lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị, có khả năng phục hồi tốt sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.