Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đám cưới là sự kiện trọng đại trong đời mỗi người và với quan niệm của người Việt, việc hoãn đám cưới là điều kiêng kị. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đã chủ động hoãn đám cưới để phòng chống dịch Covid-19 cho cộng đồng.

Theo số liệu báo cáo của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, từ đầu năm 2020 đến nay, trong các đợt dịch bệnh bùng phát, chính quyền, đoàn thể, ngành văn hóa đã tuyên truyền, vận động gần 500 đôi bạn trẻ trong toàn tỉnh hoãn cưới hoặc tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm, đảm bảo quy định phòng dịch. Trong đợt dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, cũng có rất nhiều cặp uyên ương đã tình nguyện hoãn cưới hoặc thu hẹp phạm vi tổ chức tiệc vui.

Theo kế hoạch, ngày 5/5/2021, gia đình ông bà Trần Văn Quý - Nguyễn Thị Lan ở tổ dân phố 6, thị trấn Nghèn (Can Lộc) sẽ tổ chức đám cưới cho con trai. Khi cỗ bàn đã đặt, gần 1.000 chiếc thiệp mời đã được gửi đi, hai bên gia đình chỉ chờ ngày đón dâu thì dịch bệnh lại diễn biến phức tạp.

Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

Vợ chồng ông Quý - bà Lan quyết định hoãn đám cưới con trai dù mọi thứ đã sẵn sàng.

Bà Lan cho biết: “Quê cô dâu ở Nghệ An, họ hàng nội ngoại hai bên lại ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nên cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Gia đình tôi đã bàn bạc và đi đến thống nhất là hoãn đám cưới. Ban đầu, phía nhà gái cũng không tránh khỏi những băn khoăn nhưng chúng tôi động viên và ai cũng hiểu trong lúc này an toàn cho cộng đồng là trên hết nên tất cả đều vui vẻ đồng ý”.

Sau khi đi đến thống nhất, ông bà và cô dâu, chú rể đã đăng thông báo hoãn cưới lên trang facebook cá nhân cùng lời thông cảm đến họ hàng, quan khách. Quyết định đó của gia đình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo họ hàng, người dân.

Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

Đám cưới là sự kiện trọng đại nhưng đôi bạn trẻ và gia đình vẫn đặt sự an toàn của cộng đồng lên trên.

Bà Lan cũng cho biết, hai gia đình sẽ chỉ tổ chức vài mâm cơm gặp mặt rồi làm thủ tục rước dâu đơn giản. “Khi dịch bệnh ổn định, nếu có điều kiện thì tổ chức liên hoan cho các cháu, còn không thì cũng coi như là đã cưới xong, chỉ mong sao các con sống hạnh phúc bên nhau” - bà Lan chia sẻ.

Phát huy tinh thần gương mẫu, xung kích của tuổi trẻ, ngày 29/4, chú rể Nguyễn Xuân Sáng và cô dâu Nguyễn Thị Thủy (TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) cũng đã quyết định hoãn sự kiện trọng đại của đời mình để cùng cộng đồng chống dịch.

Anh Sáng là Bí thư Đoàn phường Nam Hồng, còn vợ làm việc tại TP Vinh (Nghệ An). Với vai trò là cán bộ đoàn, anh Sáng luôn tích cực đi đầu trong các đợt chống dịch trước đó. Anh từng tham gia làm kính chống giọt bắn, khẩu trang, hỗ trợ khu cách ly; tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, đặc biệt là vận động đoàn viên, thanh niên trên địa bàn hoãn đám cưới.

Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

Chú rể Nguyễn Xuân Sáng và cô dâu Nguyễn Thị Thủy thể hiện tinh thần xung kích, gương mẫu của tuổi trẻ khi hoãn đám cưới trong mùa dịch.

“Đám cưới là sự kiện trọng đại không chỉ của vợ chồng tôi mà còn của họ hàng hai bên nhưng là cán bộ đoàn, tôi tự thấy trách nhiệm phải gương mẫu trong phòng chống dịch” - anh Sáng chia sẻ.

Trước đó, nữ trung úy công an Lê Thị Thủy Tiên - cán bộ Đội CSGT - Trật tự (Công an TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) và chồng là Lê Tiến An (phường Hưng Trí - TX Kỳ Anh) cũng đã quyết định hoãn đám cưới để chung tay phòng chống dịch.

Thủy Tiên chia sẻ: “Dù không dễ dàng khi đưa ra quyết định này nhưng tôi nghĩ nó thật sự cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này. Chúng tôi mong rằng, việc làm này sẽ góp phần giúp mọi người nâng cao ý thức phòng dịch”.

Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

Thông báo hoãn đám cưới trên trang facebook cá nhân của Thủy Tiên nhận được sự hưởng ứng, chúc phúc của người thân, bạn bè.

Bên cạnh những gia đình chủ động hoãn đám cưới thì cũng có một số trường hợp vì hoàn cảnh đặc biệt không thể hoãn nhưng đã nêu cao ý thức trong cách thức tổ chức. Đơn cử như đám cưới của chú rể Nguyễn Xuân Quý (xã Thạch Liên - Thạch Hà) và cô dâu Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Thạch Sơn - Thạch Hà).

Anh Quý làm việc tại Bình Dương còn công ty của chị Thủy tận Long An. Dù yêu nhau đã lâu nhưng vì điều kiện công việc, hai anh chị chưa thể tổ chức đám cưới. Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi là dịp hiếm hoi anh chị được về quê cùng nhau và dự định tổ chức tiệc cưới tại xã Thạch Liên.

Dịch bệnh bùng phát trở lại đúng thời điểm quan trọng, anh chị không thể hoãn được nhưng đã cắt giảm mâm cỗ; khách mời chỉ gói gọn trong những người họ hàng thân thích và công tác phòng dịch được triển khai khá bài bản với việc chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Đoàn thanh niên địa phương hỗ trợ gia đình trong hướng dẫn khách mời thực hiện biện pháp an toàn mùa dịch. Đám cưới diễn ra đơn giản, gọn nhẹ trong sự chúc phúc của người thân hai bên gia đình.

Hoãn cưới để phòng chống dịch - ý thức vì cộng đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh

Đám cưới chú rể Nguyễn Xuân Quý - cô dâu Nguyễn Thị Thu Thủy ở xã Thạch Liên được tổ chức đơn giản, thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Đánh giá về ý nghĩa của việc người dân “gác lại niềm riêng” để góp sức chống dịch, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH - TT & DL tỉnh) Nguyễn Thị Hệ cho rằng: “Với quan niệm truyền thống của người Việt, việc hoãn, hủy đám cưới là điều hết sức kiêng kị. Thế nhưng, người dân Hà Tĩnh vẫn hưởng ứng sự vận động, chấp hành nghiêm túc quy định của chính quyền và ngành chức năng. Điều đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng, là nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, đoàn thanh niên tuyên truyền, vận động để người dân tạm hoãn hoặc có hình thức tổ chức đám hiếu, hỷ phù hợp với quy định an toàn trong mùa dịch”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống