Hương Khê hấp thụ tốt các chính sách tín dụng phục vụ sản xuất

(Baohatinh.vn) - Đồng hành cùng địa phương xây dựng huyện nông thôn mới, Ngân hàng CSXH Hương Khê (Hà Tĩnh) đã nỗ lực đưa vốn về cơ sở, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, xây dựng kinh tế bền vững.

Gia đình ông Lê Văn Tỵ (60 tuổi), trú tại thôn 8, xã Hương Thủy (Hương Khê) trước đây là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tư chung vốn với người thân trồng cây ăn quả theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ nên nguồn thu không đáng là bao, đó là chưa kể đến những thời điểm "mất trắng" do thiên tai. Miệt mài lao động trong khi cái nghèo cứ mãi đeo đẳng nên năm 2011 ông quyết định tách riêng, gầy dựng mô hình trồng bưởi theo hướng quy mô.

Thời điểm đó, việc phát triển kinh tế của gia đình ông Tỵ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư. Được Hội Nông dân xã Hương Thủy bảo lãnh nên ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê để mở rộng mô hình. Từ đó đến nay, đã hàng chục năm qua, ông Tỵ là khách hàng của Ngân hàng CSXH với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm…

img-4983-385.jpg
Trang trại bưởi của gia đình ông Lê Văn Tỵ được Ngân hàng CSXH Hương Khê "tiếp sức".

Ông Tỵ phấn khởi: “Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ổn định đã giúp gia đình tôi từng bước mở rộng quy mô. Sau nhiều năm gầy dựng, phát triển, đến nay, chúng tôi đã sở hữu trang trại quy mô 1.200 gốc bưởi, hằng năm thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng”.

Xã Hương Thủy đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, bởi vậy, địa phương tập trung phát động xây dựng mới và phát triển quy mô các mô hình kinh tế sẵn có; qua đó góp phần nâng cao các tiêu chí nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất như: thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn...

Bà Trần Thị Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho hay: “Hương Thủy là địa phương phải chịu tác động của thiên tai, trước đây người dân còn nghèo. Các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất từ Ngân hàng CSXH Hương Khê đã thực sự trở thành “điểm tựa” để người dân gầy dựng và phát triển mô hình. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đạt 25,6 tỷ đồng với 407 hộ còn dư nợ. Nguồn vay từ các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm… đã góp phần hình thành 200 mô hình kinh tế trên địa bàn”.

z5849681700351-b88d1fa74600d74361f64bb14fc625bb-6132.jpg
Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê thực hiện giao dịch tại xã, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vay vốn của người dân.

Hương Xuân cũng là địa phương có dư nợ tín dụng lớn với gần 40 tỷ đồng, nhiều mô hình kinh tế tiềm năng được tiếp sức.

Gia đình bà Đinh Thị Nhung (50 tuổi), trú tại thôn Hương Vĩnh, xã Hương Xuân đã gắn bó với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê hàng chục năm nay. Từ chỗ hộ nghèo, được tiếp cận các chương trình vay vốn, hiện gia đình đã có kinh tế vững vàng.

Bà Nhung chia sẻ: “Gia đình tôi đã được Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê "tiếp sức" từ nhiều chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm... để đầu tư chăn nuôi trâu, bò thịt quy mô. Ngân hàng thực hiện giao dịch tại xã, giải ngân nhanh nguồn vốn, lãi suất cho vay ổn định nên chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài. Nhờ nguồn vốn tín dụng, hiện nay gia đình đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi và có nguồn lực để đầu tư cho 4 người con ăn học trưởng thành. Vốn chính sách đã giúp những người dân nghèo như chúng tôi nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân, vươn lên gầy dựng mô hình kinh tế bền vững”.

z5850110580511-f28ccaf96c44e0205dfca5a4e7c1c4f3-7001.jpg
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân.

Hương Khê là huyện miền núi, địa hình bất lợi, người dân thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đồng hành với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đã nỗ lực đưa các nguồn vốn chính sách phục vụ sản xuất – kinh doanh về với người dân.

Thông qua ủy thác các tổ chức hội đoàn thể tại địa phương và qua sự hoạt động, quản lý nguồn vốn từ các tổ tiết kiệm và vay vốn về đến tận thôn xóm, nguồn vốn chính sách đã được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Có vốn chính sách, người dân miền núi tự tin xây dựng phát triển các mô hình kinh tế dựa trên thế mạnh tiềm năng của địa phương như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, cam, bưởi, dó trầm; trồng rừng, chế biến lâm sản…

Ông Lê Viết Thông – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê cho biết: “Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng đã bám nắm, sâu sát cơ sở, chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể trên địa bàn để đưa dòng vốn tới cơ sở; tạo điểm tựa để người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, từng bước thoát nghèo và ổn định về kinh tế. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng doanh số cho vay của đơn vị đạt 165,688 tỷ đồng với 3.111 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; qua đó nâng tổng dư nợ tín dụng toàn huyện đạt 632,06 tỷ đồng, tăng 30,4 tỷ đồng so với đầu năm với 10.051 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ”.

70-9441.jpg
Đến 30/9/2024, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đạt 632,06 tỷ đồng, tăng 30,4 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại Hương Khê, các chương trình phục vụ sản xuất chiếm vai trò chủ đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: cho vay hộ nghèo đạt 26,2 tỷ đồng với 587 khách hàng đang dư nợ; cho vay hộ cận nghèo đạt 29,6 tỷ đồng với 659 khách hàng đang dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 159 tỷ đồng với 2.834 khách hàng đang dư nợ; cho vay giải quyết việc làm đạt 112,07 tỷ đồng với 2.147 khách hàng đang dư nợ; dư nợ cho vay hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn đạt 112,12 tỷ đồng với 2.136 khách hàng đang dư nợ…

Hương Khê đang chuẩn bị "chạm đích" đạt chuẩn huyện NTM, thời gian qua địa phương tập trung cao thực hiện các tiêu chí nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất. Chính nguồn vốn tín dụng chính sách - xã hội đã tạo thêm nguồn lực giúp Nhân dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế tiềm năng, nâng cao đời sống.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.