Từ ngày 12/12/2020, con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Hoá (xã Phú Phong) có các triệu chứng lạ.
Ông Nguyễn Văn Hoá (thôn 5, xã Phú Phong) cho biết: Gia đình có 3 con bò. Cách đây hơn 10 ngày, 1 con có các dấu hiệu sốt, lười ăn, da nổi những nốt sần và lớn dần thành cục u lớn. Ban đầu, tôi báo với thú y và tự điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm. Trong thôn cũng có một số con bò của các hộ khác có dấu hiệu bị ốm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bò của ông Hoá dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Sau khi có thông tin từ người dân, xã Phú Phong đã báo cáo lên huyện Hương Khê về tình trạng một số con bò trên địa bàn bị ốm. Ông Trần Hoài Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê thông tin, nhận tin báo, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp đến các hộ dân để kiểm tra. Thời điểm kiểm tra (19/12), hầu hết bò của các hộ dân đã khỏi các triệu chứng ốm. Chỉ còn 2 con còn biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục.
Trung tâm đã hướng dẫn các hộ phương pháp điều trị, chăm sóc vật nuôi và tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng hoá chất và vôi. Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng III để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có 2 mẫu dương tính với bệnh viêm da nổi cục (một mẫu của hộ ông Nguyễn Văn Hoá, 1 mẫu của hộ ông Lê Hữu Hồng, đều ở thôn 5, xã Phú Phong).
Các hộ chăn nuôi tại xã Phú Phong đã rắc vôi bột và phun khử trùng khu vực chuồng trại.
Trước tình hình đó, huyện Hương Khê đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm hạn chế dịch lây lan như: khoanh vùng dịch và cắm biển cảnh báo, cấm đưa gia súc ra, vào vùng dịch.
Ông Trần Hoài Sơn cũng cho biết thêm, trước mắt, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, đề nghị các hộ chăn nuôi gia súc ký cam kết 5 không: “Không dấu dịch; không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc ra môi trường”.
Xã Phú Phong đã cử cán bộ rắc vôi trên các tuyến đường...
Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương cách ly triệt để gia súc bị ốm, hạn chế chăn thả tập trung; thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực gia súc bị ốm, chết; tổng dọn vệ sinh và rắc vôi bột tại chuồng trại hộ gia đình, trên các tuyến đường.
... và cắm biển thông báo, khoanh vùng dịch.
UBND huyện yêu cầu tất cả địa phương thông báo về dấu hiệu nhận biết dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đến từng người chăn nuôi. Hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh. Tổ chức rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng tổng đàn trâu, bò, dê, hươu và số lượng gia súc bị ốm để báo cáo UBND huyện. Tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ về công tác phòng, chống bệnh cho thành phần chủ chốt trong xã, cán bộ thôn và đến tận từng hộ dân (nhất là đối với những người làm nghề buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò).
Hầu hết các tuyến đường gần khu vực có dịch đã được rắc vôi khử khuẩn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát đàn gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh để báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ trâu, bò trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi, phòng NN&PTNT và các phòng, ngành liên quan tăng cường giám sát nhằm kịp thời phát hiện bệnh để xử lý, khống chế trong diện hẹp.