Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn vừa đi khảo sát thực địa và có buổi làm việc với một số sở, ngành, địa phương để tìm giải pháp xử lý tình trạng người dân sử dụng đất trong vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn kiểm tra thực địa việc xâm lấn đất rừng.
Sau khi tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xác định nguồn gốc đất đai, hiện trạng sử dụng đất của 24 hộ dân trong vùng đệm rừng quốc gia Vũ Quang là đất canh tác, trồng cây lâu năm;
Làm rõ nguồn gốc giao đất, giao rừng tại địa bàn nơi cư trú; xem xét, xử lý kịp thời tình trạng sử dụng đất bước đầu của các hộ dân vào mục đích trồng cây nông nghiệp (cây hàng năm và lâu năm), chăn nuôi và làm lán trại nhưng về lâu dài các hộ có thể xây nhà ở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý phải có giải pháp cụ thể, xử lý dứt điểm, không để ảnh hưởng đến việc quản lý và bảo vệ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Vũ Quang cả trước mắt và lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Sơn Kim 2.
Để giải quyết tình trạng này, trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương và Vườn Quốc gia Vũ Quang phối hợp tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm túc việc quản lý, bảo vệ rừng, giữ nguyên hiện trạng, không phát sinh đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích sản xuất.
Vườn Quốc gia Vũ Quang (đơn vị chủ rừng) có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương xây dựng phương án đưa người dân ra khỏi khu vực vườn quản lý. Nội dung phương án phải rõ về nguồn gốc đất đai hiện đang sản xuất và nơi cư trú; hoàn cảnh cụ thể việc giao đất, giao rừng và tổ chức sản xuất ở nơi cư trú; tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Đặc biệt là phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và người sử dụng đất trong việc tham gia, tổ chức thực hiện phương án.
Việc tổ chức xử lý tình trạng xâm lấn đất đai Vườn Quốc gia Vũ Quang là việc làm hết sức cấp thiết; vì vậy, các cấp, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phối hợp tốt với đơn vị chủ rừng sớm hoàn thành phương án chậm nhất trước ngày 30/6/2020 trình UBND tỉnh xem xét.