Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Mở đầu cho sự kiện khai trương du lịch biển 2023 Hà Tĩnh tại Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân), Tuần văn hóa - du lịch Nguyễn Du với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc hứa hẹn sẽ góp phần khơi dậy, lan tỏa những giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều đến du khách gần xa.

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Cảnh trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du” do Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng tổ chức sản xuất. Ảnh tư liệu

Nhắc đến Nghi Xuân, du khách mọi miền không chỉ nhớ đến một miền quê nên thơ với “bát cảnh” say đắm lòng người có núi, có sông, có biển hữu tình mà còn là bề dày của trầm tích văn hóa, lịch sử. Nơi đây là cái nôi của người Việt cổ định cư từ khoảng 5.000 năm về trước. Trong đó, Tiên Điền - Nguyễn Du - Truyện Kiều là những từ khóa chỉ nhắc tên thôi đã gợi lên trong lòng mỗi người Việt sự xao xuyến, rưng rưng cảm khái về một miền quê danh nhân, một Đại thi hào với chữ tâm lộng gió thời đại, mang yêu thương bao trùm thập loại chúng sinh.

Nhằm lan tỏa hơn nữa những giá trị to lớn của di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều gắn với phát triển du lịch của địa phương, huyện Nghi Xuân đã lên kế hoạch tổ chức Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du, diễn ra từ ngày 15 - 18/4/2023. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2023.

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân).

Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du sẽ chính thức khai mạc vào tối 15/4/2023 tại Quảng trường Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), mở đầu bằng chương trình nghệ thuật “Truyện Kiều với không gian diễn xướng” do các nghệ nhân tiêu biểu thuộc các CLB ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, chầu văn trình diễn.

Tiếp đó, vào tối 16/4, tại Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân, CLB Sân khấu Biển Hẹn (Hải Phòng) sẽ biểu diễn vở kịch “Hoạn Thư ghen”; tối 17 và 18/4, sẽ là thời gian dành cho công chiếu bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” do Công ty CP Không gian văn hóa Việt sản xuất và phim truyện “Kiều” do Tincom Media sản xuất; chung kết và trao giải Cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” dành cho giáo viên và học sinh.

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Sân khấu đêm khai mạc Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du được thực hiện tại quảng trường Nguyễn Du.

Được chuẩn bị kỹ càng trong xây dựng kịch bản, công phu trong tập luyện, “Truyện Kiều với không gian diễn xướng” hứa hẹn sẽ là chương trình nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, thể hiện chiều sâu văn hóa của Truyện Kiều trong đời sống người dân Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Tại chương trình, 60 nghệ nhân tiêu biểu ở nhiều loại hình văn nghệ dân gian sẽ biểu diễn 10 tiết mục gồm: các trích đoạn trò Kiều, các bài ca trù; dân ca ví, giặm, chầu văn… sử dụng thơ Kiều làm lời hát.

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

CLB trò Kiều xã Xuân Liên tập luyện trích đoạn trò Kiều chuẩn bị biểu diễn trong chương trình “Truyện Kiều với không gian diễn xướng”.

Anh Nguyễn Long Thiên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân cho biết: “Từ lâu, di sản Truyện Kiều đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân Nghi Xuân nói riêng và người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước nói chung. Trong đó, gắn với các loại hình văn nghệ dân gian, Truyện Kiều đã làm phong phú thêm nội dung cho các làn điệu, lời ca, thể hiện những cung bậc tình cảm, biểu đạt muôn vàn sắc thái tâm tư con người, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của Nhân dân. Do vậy, đêm “Truyện Kiều với không gian diễn xướng” không chỉ giúp khán giả và du khách thưởng thức các màn diễn xướng được các nghệ nhân “rút ruột, nhả tơ” vào từng câu hát mà còn thấy được sức ảnh hưởng, các giá trị của Truyện Kiều trong đời sống hiện đại”.

Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du cũng sẽ công diễn vở kịch “Hoạn Thư ghen”. Vở kịch do CLB Sân khấu Biển Hẹn (TP Hải Phòng) dàn dựng, là một lát cắt, trích đoạn trong Truyện Kiều, đoạn Kiều gặp Thúc Sinh và bị Hoạn Thư phát hiện. Vở kịch đã từng công diễn nhiều nơi, trong đó có Hà Tĩnh và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân soát lại kịch bản chương trình đêm khai mạc.

Tuần văn hóa sẽ trình chiếu 2 bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” do Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng đứng ra sản xuất và “Kiều” do Mai Thu Huyền đạo diễn. Đây là 2 trong số ít bộ phim điện ảnh khai thác đề tài về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho đến thời điểm này. “Đại thi hào Nguyễn Du” là bộ phim thuộc thể loại tài liệu nghệ thuật, có sự tham gia diễn xuất của diễn viên trong bối cảnh công phu từ Thăng Long về Nghi Xuân, đến kinh thành Huế. Bộ phim sẽ giúp khán giả hình dung một cách đầy đủ về cuộc đời của Đại thi hào cũng như quá trình sáng tác Truyện Kiều.

Bộ phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền chọn cách dựng lại một phần trong tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, tập trung kể câu chuyện về mối tình Thúy Kiều và Thúc Sinh. Phim “Kiều” có dàn diễn viên trẻ đẹp, bối cảnh cổ trang dàn dựng công phu, hình ảnh đẹp, âm nhạc xuất sắc...

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Trong Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du sẽ có phần trình chiếu phim “Kiều” của Mai Thu Huyền. Ảnh: internet

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du đã hoàn thành. Trong đó, dù ở xa nhưng cả 3 đơn vị gồm 2 đoàn phim và 1 đoàn kịch ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh đã có mặt để cùng thực hiện.

Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng dẫn đầu đoàn phim “Đại thi hào Nguyễn Du” bày tỏ: “Dù đã mang phim đi trình chiếu phục vụ ở nhiều tỉnh, thành nhưng mỗi lần về với Hà Tĩnh nói chung và Tiên Điền, quê hương cụ Nguyễn Du nói riêng, chúng tôi lại bồi hồi xúc động và hạnh phúc. Bộ phim là tâm nguyện của tôi và cả ê-kip nhằm bày tỏ sự tri ân Đại thi hào cũng như mong muốn lan tỏa di sản mà cụ để lại cho hậu thế”.

Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du một lần nữa khẳng định giá trị di sản vô cùng to lớn của Nguyễn Du và Truyện Kiều. Chúng tôi mong muốn qua đây sẽ lan tỏa hơn nữa giá trị di sản và thu hút thêm nhiều du khách về với Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung; từ đó khơi dậy sức mạnh nội sinh văn hóa, phát triển ngành du lịch xứng tầm với những tiềm năng sẵn có của quê hương.

Ông Bùi Việt Hùng
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.