Với sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế cùng chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2025, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh như: xơ, sợi dệt các loại, hàng dệt và may mặc, chè... ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của xơ, sợi dệt các loại đạt khoảng 6,79 triệu USD, tăng khoảng 112,85% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt khoảng 27,26 triệu USD, tăng khoảng 119,85% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch xuất khẩu chè đạt khoảng 2,73 triệu USD, tăng khoảng 10,53% so với cùng kỳ năm 2024...
Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh (đóng tại CCN Nam Hồng, phường Nam Hồng Lĩnh) chuyên sản xuất các loại sợi Ne20/1, Ne 21/1, Ne 7/1… đi thị trường các nước Pakistan, Bangladesh... và tiêu thụ nội địa. Nửa đầu năm, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc với sản lượng đơn hàng gia tăng, giá thành sản phẩm khá ổn định.
Bà Đào Thị Phương - Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng phòng Nhân sự (Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh) cho biết: Với dây chuyền sản xuất tự động hóa cao, sản phẩm của công ty đạt chất lượng mà các đối tác yêu cầu. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chính, hiện nay công ty tiếp tục tìm kiếm, ký kết hợp đồng với các đối tác mới, phấn đấu mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025 đạt khoảng 4 triệu USD.
Theo ghi nhận, các hiệp định thương mại tự do với EU, Mỹ và các nước trong CPTPP đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam, giúp ngành dệt may tăng trưởng bằng cách giảm thuế quan, mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và nguyên liệu. Qua đó, tạo động lực để các doanh nghiệp dệt may tại Hà Tĩnh cạnh tranh tốt hơn, tăng kim ngạch xuất khẩu và thị phần trên thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn như: Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (CCN Nam Hồng, phường Nam Hồng Lĩnh), Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (phường Hà Huy Tập), Công ty CP May Xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên, xã Cẩm Bình), Công ty TNHH Appareltech Hà Tĩnh (CCN Đức Thọ, xã Đức Thọ)… đã ký kết đơn hàng đến cuối năm 2025, có doanh nghiệp ký kết đến hết quý III/2026. Đây là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp gia tăng nguồn thu ngoại tệ.
Ông Nguyễn Hùng - Công ty CP may BGG Hương Sơn (đóng tại KCN Khe Cò, xã Sơn Tiến) cho hay: "Năm 2025, ngành dệt may nói chung và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng có bước phát triển nhanh so với những năm trước đó. Chúng tôi chuyên may gia công thời trang đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm đạt khoảng 4 triệu sản phẩm, doanh thu trên 15 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ) và đang phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 9 triệu sản phẩm trong năm nay. Hiện nay, bên cạnh đào tạo tay nghề người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn tuyển dụng thêm lao động để tiến hành triển khai xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy, nâng quy mô năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu."
Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng thì trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép, phôi thép chưa đạt như kỳ vọng.
Theo đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nửa đầu năm 2025 doanh nghiệp tiếp tục gặp khó trong hoạt động xuất khẩu do chịu sự tác động của chính sách bảo hộ ngành thép của một số nước trên thế giới. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép, phôi thép đạt khoảng 662,70 triệu USD, giảm khoảng 32,11% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 805 triệu USD, đạt 32,2% so với kế hoạch cả năm và giảm khoảng 26,65% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do mặt hàng thép bị sụt giảm sản lượng xuất khẩu do khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường nước ngoài. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Tĩnh trong 6 tháng qua vẫn khá so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Với kết quả này, Hà Tĩnh đứng thứ 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ (chỉ sau Thanh Hóa và Nghệ An).
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.500 triệu USD. Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn, thời gian tới sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách phát triển logistics và xuất khẩu giai đoạn 2026-2030; phối hợp tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án chế biến, xuất khẩu đưa vào hoạt động đúng tiến độ.
Sở Công thương Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo, cung cấp thông tin thị trường, đối tác xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&MT tiếp tục lựa chọn, mời gọi một số doanh nghiệp có uy tín trong nước tham gia khảo sát và ký kết xuất khẩu đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.