Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, chủ yếu chỉ tiêu thụ trong địa bàn huyện, năm 2020, sản phẩm bánh đa vừng truyền thống Nguyên Lâm ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Năm 2021, HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (HTX Nguyên Lâm) được thành lập với 7 thành viên góp vốn, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng.

Củng cố thương hiệu sản phẩm OCOP, HTX Nguyên Lâm đặc biệt chú trọng hiện đại hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác và tăng cường quảng bá, tiếp thị. Nhờ thế, sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, uy tín ngày càng được khẳng định.
Đến nay, bánh đa vừng Nguyên Lâm đã có mặt tại các thị trường lớn như: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2024, HTX sản xuất ra 6 triệu bánh đa vừng, trong đó có 20% sản lượng xuất khẩu, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2024, với sự chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện hỗ trợ của huyện, sự nỗ lực của các thành viên HTX, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Giám đốc HTX Nguyên Lâm Lê Văn Duẩn chia sẻ: “Có được kết quả như hôm nay, trước tiên phải kể đến chủ trương xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của Nhà nước, sự đồng hành hỗ trợ tích cực cả về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp ngành địa phương. Những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, là động lực để các thành viên HTX tiếp tục phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo sự đột phá về thương hiệu cũng như giá trị sản phẩm. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới, là tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP, tiếp tục ổn định thị trường trong nước, đồng thời mở rộng thêm thị trường tại các nước châu Âu”.

Là thương hiệu nước mắm nổi tiếng ở huyện Kỳ Anh và Hà Tĩnh, hiện nay sản phẩm nước mắm Phú Khương của HTX Thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương, xã Kỳ Xuân đang trong giai đoạn xúc tiến để được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Hà Tĩnh.
Được sản xuất theo phương thức truyền thống kết hợp với sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, hệ thống dây chuyền đóng chai tự động, Phú Khương đã sản xuất ra loại nước mắm thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.

Hàng năm, HTX thu mua từ 350 - 400 tấn cá để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, quy mô trên 200 nghìn lít/năm, doanh thu đạt gần 15 tỷ đồng. Hiện, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động theo thời vụ.
Ngoài nước mắm là sản phẩm chính đã đạt OCOP 4 sao, HTX Thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương còn sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng hải sản khác, trong đó có sản phẩm ruốc quết, hiện đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Phú Khương cho biết: "Với các điều kiện về cơ sở vật chất, trang, thiết bị, dây chuyền sản xuất, năng lực đội ngũ cũng như chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, nước mắm Phú Khương sẵn sàng để được xét nâng hạng OCOP lên 5 sao. Hiện nay, HTX đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết theo yêu cầu của các cấp, ngành liên quan để được nâng hạng sản phẩm trong thời gian sớm nhất.
Bà Khương cũng cho biết thêm: "Hiện tại, sản phẩm của HTX vẫn chưa tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên sau khi được nâng hạng 5 sao, là chúng tôi sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường, đưa nước mắm Phú Khương đến với một số nước trong khu vực và châu Âu".

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình OCOP, thời gian qua huyện Kỳ Anh đã xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ làm nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.
Đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm. Về chủ thể quản lý, có 17 HTX và THT, 11 hộ và cơ sở sản xuất. Hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đã được truy xuất nguồn gốc, được giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử nông sản https://nongsankyanh.com và nhiều sàn thương mại khác. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu với thị trường đầu ra ổn định.
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP có vai trò hết sức quan trọng trong khai thác sản phẩm nông nghiệp của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng NTM.

Để tiếp tục mở rộng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, thời gian tới, huyện sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung triển khai thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn sản xuất với quảng bá, giới thiệu và tạo thương hiệu cho sản phẩm OCOP; tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP và nâng hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện cũng sẽ tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường ngoài nước.