Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

(Baohatinh.vn) - Vùng biển Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh) nổi tiếng với các sản phẩm hải sản phong phú, tươi ngon. Thế nhưng, nơi đây vẫn chưa xây dựng được thương hiệu tập thể mang đặc trưng vùng miền cho các loại hải sản.

Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

Lợi thế về âu thuyền, cảng cá, đội thuyền, nguồn nguyên liệu, kinh nghiệm chế biến... là mấu chốt để xây dựng thương hiệu tập thể cho các loại hải sản Cửa Sót.

Chị Nguyễn Thị Trung - Chủ cơ sở hải sản Ngọc Diệp (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) được xem là người đi đầu trong xây dựng thương hiệu hải sản để phát triển sản xuất, tăng lợi nhuận. Dù sản phẩm mực khô đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020, mỗi năm có thể xuất bán gần 4 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng nhưng chị Trung vẫn đang trăn trở vì quê hương đang thiếu thương hiệu tập thể mang tính đặc trưng vùng miền.

Chị Nguyễn Thị Trung chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu cá nhân nhưng vẫn mong muốn nhiều hơn thế, đó là xây dựng thương hiệu chung cho các hải sản vùng Cửa Sót. Làm được việc đó thì mới có thể nâng cao được giá trị sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư, có sản phẩm tốt và khiến khách hàng tin tưởng hơn”.

Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

Sản phẩm mực khô đạt chuẩn OCOP của cơ sở hải sản Ngọc Diệp.

Xây dựng thương hiệu tập thể không chỉ là mong muốn của chị Trung mà còn là nguyện vọng của 50 cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản và hàng trăm chủ tàu thuyền ở xã Thạch Kim. Mỗi năm ở Thạch Kim có khoảng 2.000 tấn hải sản được ngư dân bản địa đánh bắt về và khoảng 5.000 tấn hải sản được chuyển từ nơi khác đến chế biến hoặc cấp đông, được thị trường tin dùng vì chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng nhưng thương hiệu trên thị trường lại chưa tương xứng.

Hải sản ở Thạch Kim hiện đang tiêu thụ ở dạng thô (tươi sống) hoặc mới qua sơ chế đơn giản (phơi khô, cấp đông) nên chưa nâng cao được chất lượng và giá trị. Nơi đây cũng chỉ mới lác đác một số hộ dám mạnh dạn đầu tư để xây dựng thương hiệu cá nhân theo chương trình OCOP (chủ yếu là mực, ruốc, nước mắm...).

Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

Cơ sở hải sản Bích Lan (Thạch Kim) chế biến sản phẩm mực một nắng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Phạm Duy Khánh cho biết: “Trên địa bàn hiện đã xây dựng được 5 sản phẩm hải sản đạt chất lượng OCOP 3 sao và đang có thêm 4 sản phẩm chờ xét duyệt. Tuy nhiên, các thương hiệu cá nhân chưa thể tạo được sự lan tỏa cần thiết, thiếu sức mạnh trong cạnh tranh, chưa phản ánh được tầm vóc lĩnh vực kinh tế thế mạnh của địa phương. Việc thiếu thương hiệu tập thể dẫn đến không tạo được đột phá trong sản xuất, hạn chế trong kinh doanh, khó khuếch trương thương hiệu của vùng.

Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp, đề xuất để xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm hải sản có lợi thế, mang tính đặc trưng trên địa bàn. Theo dự tính, kế hoạch này sẽ bắt đầu thí điểm bằng cách liên kết các sản phẩm nước mắm để tạo dựng thương hiệu chung cho nước mắm Cửa Sót”.

Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

Dù đã có thương hiệu riêng nhưng Cơ sở nước mắm Tâm Loan (thị trấn Lộc Hà) vẫn mong muốn xây dựng thương hiệu tập thể cho loại sản phẩm này.

Không chỉ có Thạch Kim mà việc xây dựng thương hiệu tập thể cho các loại hải sản gắn với đầu tư chế biến tinh sâu cũng đang khiến các địa phương khác ở vùng biển Lộc Hà băn khoăn, nhất là ở những địa phương có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này như: thị trấn Lộc Hà, Hộ Độ, Mai Phụ, Thịnh Lộc.

Việc xây dựng thương hiệu chung như “Mực khô Thạch Kim”, “Cá nướng Thạch Kim”, “Mực một nắng Lộc Hà”, “Nước mắm Cửa Sót”, “Mắm tôm Thạch Bằng”, “Sứa Lộc Hà”... đang ngày càng bức thiết vì mỗi năm, trên địa bàn có khoảng 5.500 tấn hải sản đánh bắt tại chỗ và khoảng gần 9.000 tấn được vận chuyển từ nơi khác về đã tạo ra một thị trường sôi động.

Sớm xây dựng thương hiệu tập thể để nâng tầm hải sản Cửa Sót

Công nhân Cơ sở mắm tôm Làng xưa (xã Mai Phụ) đang chuẩn bị nguyên liệu đầu vào để sản xuất.

Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà Phan Bá Ninh cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu tập thể cho từng loại hải sản đặc trưng ở vùng Cửa Sót gắn với thực hiện chương trình OCOP rất là cần thiết, mang nhiều ý nghĩa, có giá trị về nhiều mặt. Vì vậy, các phòng ngành cấp huyện cũng các địa phương ven biển luôn quan tâm, đề xuất lên cấp trên (chủ trì là Sở Khoa học và Công nghệ) quan tâm tìm kiếm các chương trình, dự án, nguồn kinh phí hỗ trợ, phương án thực hiện..."

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà Nguyễn Văn Tình chia sẻ: “Thị trấn Lộc Hà nói riêng và vùng biển cửa nói chung có rất nhiều thuận lợi để xây dựng thương hiệu tập thể và điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, vấn đề này đang gặp khá nhiều rào cản như: các sản phẩm chế biến chưa sâu, bao bì chưa đạt tiêu chuẩn, mẫu mã chưa đẹp, thiếu gắn kết trong hợp tác sản xuất, thiếu hệ thống cửa hàng bày bán, việc quảng bá thương hiệu chưa được quan tâm... Vì vậy trong thời gian tới các cấp, các ngành cần đồng hành, hỗ trợ để chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn trong xây dựng thương hiệu chung cho các loại sản phẩm hải sản trong vùng”.

Chủ đề Sản phẩm mới

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.